Ông
Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, dư nợ phi sản xuất của Ngân
hàng đã giảm về tỷ lệ 21% vào cuối tháng 6 vừa qua. Song điều đó không
có nghĩa là OCB sẽ tái mở rộng cho vay ở lĩnh vực này. Ngược lại, để
đảm bảo được quy định NHNN đưa ra tại Chỉ thị 01, OCB cũng như các nhà
băng khác phải tiếp tục hạn chế cho vay ở lĩnh vực này. Trong đó, với
tín dụng bất động sản, chứng khoán OCB đã dừng hẳn. Riêng với cho vay
tiêu dùng cá nhân, Ngân hàng cũng dần thu hẹp trên cơ sở chọn lọc kỹ
khách hàng.
Theo
đánh giá của ông Tuấn, với dấu hiệu giảm nhiệt của chỉ số giá tiêu dùng
(CPI) trong tháng 6 và dự báo sẽ giảm tiếp trong những tháng cuối năm
thì việc siết tín dụng phi sản xuất cũng cần được NHNN xem xét kỹ hơn
và có thể giữ mức 22% như hiện nay, thay vì phải giảm xuống 16% vào
cuối năm như quy định tại Chỉ thị 01.
Nhận
định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát có chiều hướng tích cực,
nhưng lãi suất đầu vào khó có thể hạ ngay. Báo cáo tháng 6 của NHNN cho
thấy, lãi suất cho vay VND bình quân thực tế khoảng 18,74%/năm, tăng
3,4%/năm so với cuối năm 2010. Trong đó, lãi suất cho vay nông nghiệp,
nông thôn và xuất khẩu khoảng 17-19%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản
xuất - kinh doanh khác khoảng 19,2%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực phi
sản xuất khoảng 22-25%/năm. Vì thế, khách hàng cũng không mặn mà trong
việc tiếp cận vốn vay, do áp lực lãi suất còn ở mức khá cao, vì vậy
việc triển khai cho vay cũng rất khó khăn.
Tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng của OCB được chỉ mới tăng khoảng hơn 7% so với cuối năm trước.
Do
vậy, khi phải siết chặt hơn tín dụng phi sản xuất theo lộ trình quy
định của NHNN thì với những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ sẽ càng khó
khăn. Xét về con số tuyệt đối, tăng trưởng dư nợ của các nhà băng này
hiện vẫn ở mức khá thấp. Trong khi đó, áp lực tăng vốn điều lệ và hiệu
quả sinh lời của đồng vốn tăng thêm rất lớn, nhất là những ngân hàng
vừa tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng cuối năm qua.
Ông
Đặng Đức Toàn, Tổng giám đốc WesternBank cho biết, Ngân hàng đã giảm tỷ
lệ dư nợ phi sản xuất về dưới mức cho phép trước ngày 30/6. Tuy nhiên,
để đảm bảo được quy định NHNN thì từ nay đến cuối năm, WesternBank cũng
phải giảm dần dư nợ ở lĩnh vực này để đáp ứng được tỷ lệ 16% trên tổng
dư nợ vào cuối năm nay. Hiện tỷ lệ dư nợ phi sản xuất của WesternBank
chiếm khoảng 20 - 21% trên tổng dư nợ. Nhưng để giảm được tỷ lệ dư nợ
phi sản xuất về 16% vào cuối năm nay, theo ông Toàn, WesternBank cũng
không thể đẩy vốn cho vay ở lĩnh vực này mà phải từng bước cắt giảm dần
dư nợ cho vay phi sản xuất, trong đó có chứng khoán, bất động sản và kể
cả tiêu dùng.
Hiện
hầu hết các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, kể cả những nhà băng đã đưa
dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất về được mức quy định của NHNN vào cuối
tháng 6 là 22%, không dám hé rộng cửa cho vay đối với tín dụng cá nhân.
Trong đó, tín dụng tiêu dùng cũng được các nhà băng khép dần cửa.
Ông
Trương Hoàng Lương, Tổng giám đốc KienLongBank cho biết, Ngân hàng ông
đã cố gắng hết sức để giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về mức cho phép 22%
trong ngày 30/6 vừa qua. Theo ông Lương, đây cũng là nỗ lực lớn của
KienLongBank, nhưng trong những tháng tới sẽ phải phấn đấu hơn để đưa
dư nợ phi sản xuất về tỷ lệ yêu cầu vào cuối năm.
Đối
với những ngân hàng chưa giảm được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất đến 30/6
vừa qua thấp hơn 22%, hiện NHNN vẫn chưa đưa ra biện pháp "phạt" chính
thức.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, tính đến chiều ngày 1/7, vẫn còn 6 ngân hàng cổ phần trên địa bàn chưa giảm được tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất về mức 22% theo quy định. Theo ông Hạnh, trong 6 ngân hàng trên, có ngân hàng chỉ trên 22% một chút, nhưng quy định của NHNN đưa ra là không vượt quá tỷ lệ trên. Tuy nhiên, ông Hạnh vẫn từ chối tiết lộ tên của 6 nhà băng trên và cho biết, đã báo cáo lên NHNN và đang chờ chỉ đạo từ Thống đốc NHNN về hướng xử lý.







