07/11/2023 10:08 AM
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông, đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, sáng 7/11, Quốc hội dành hơn một giờ tiếp tục chất vấn thành viên Chính phủ về nhóm lĩnh vực: Công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP, đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.

Theo đại biểu, việc quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP.

Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại luật PPP, khi và chỉ khi nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, bà Chinh cho rằng cần tránh tình trạng chỉ chú trọng giai đoạn xây dựng công trình mà chưa bao quát toàn bộ vòng đời dự án; tránh xu hướng đầu tư PPP như đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy.

Trả lời đại biểu Phạm Thúy Chinh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhắc lại việc thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP giao thông thời gian qua chưa hiệu quả. Hiện cả nước có 5,2 triệu ôtô, phân bố chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM (chiếm 50%). Do việc phân bổ không đồng đều nên việc thu hút nhà đầu tư làm dự án PPP gặp khó.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Giai đoạn 2016, Việt Nam có 70 dự án giao thông PPP nhưng hiện nay rất nhiều dự án có vướng mắc chưa tháo gỡ được, làm ảnh hưởng niềm tin của doanh nghiệp. Nhiều dự án đến thời điểm được tăng phí nhưng cũng chưa được tăng vì liên quan đến điều hành giá và điều hành chỉ số giá tiêu dùng CPI. Có những dự án chưa được hoàn vốn.

“Đằng sau các doanh nghiệp là ngân hàng, nên khi các ngân hàng thấy dự án có rủi ro thì rất khó để họ tham gia, nếu không có ngân hàng tham gia thì các doanh nghiệp không thể thực hiện được vì các dự án PPP cần vốn lớn”, Bộ trưởng Thắng nói.

Đồng tình với đại biểu Chinh rằng, việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP không phải là yếu tố quyết định, ông Thắng dẫn một số nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước, có dự án Nhà nước tham gia nhiều nhưng hiệu quả không tốt, hoặc dự án có khả năng thu hồi vốn cao thì Nhà nước chỉ tham gia 20-30%.

“Chúng ta cần chủ động thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông. Chúng ta sẽ đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí”, ông Thắng cho hay.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) tranh luận về vốn Nhà nước tham gia dự án PPP. Ông nói, Bộ trưởng Thắng trả lời là các nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước mà tùy theo tính chất dự án, còn ở Việt Nam, Nhà nước tham gia tối đa 70%.

“Tôi nghĩ rằng cần căn cứ vào tính chất từng dự án, trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước bao nhiêu thì phù hợp. Đặc biệt vốn của nhà nước vào những vùng khó khăn, xa xôi cần phát triển hạ tầng giao thông theo phương thức này thì vốn Nhà nước cần tham gia nhiều”, ông Lộc nói.

Hiện nay việc tiếp cận tín dụng ngân hàng đang khó khăn, ông đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa luật PPP để phù hợp thực tiễn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục cũng đang bế tắc.

“Với dự án PPP trong một số lĩnh vực thì có thể chỉ 10 tỷ, 20 tỷ đồng cũng là phù hợp, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục”, ông Lộc nêu quan điểm.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.