Tại buổi hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp – giải pháp dòng tiền” do Phòng Thương mại và Công nghiệp việt Nam (VCCI) phối hợp với Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn tổ chức ngày 20/5, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đang tiến tới bỏ trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại thì vẫn cần tới công cụ này.

Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hiện tại, hàng loạt các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần 7,5% thay vì lách luật để cạnh tranh lãi suất. Ngoài ra, theo chỉ đạo của NHNN, trong thời gian tới tiếp tục thiết lập trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay mức trần lãi suất dành cho các lĩnh vực ưu tiên là 10%.

Ông Nguyễn Viết Mạnh cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, NHNN chưa đưa quyết định cuối cùng về việc hoãn, giãn nợ để hỗ trợ các doanh nghiệp theo quyết định 780/QĐ- NHNN và trích lập dự phòng theo thông tư 02/2013/TT- NHNN. Bởi theo ông Mạnh, sau khi tổ chức, gặp gỡ, tiếp xúc với một số địa phương và doanh nghiệp, NHNN đang nghiên cứu theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục thực hiện Quyết định 780 về việc phân loại nợ đối với nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; gia hạn nợ để doanh nghiệp tiếp tục vay được vốn.

Trên thực tế, dù lãi suất huy động được dự báo giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy vẫn còn dư địa để lãi suất tiếp tục giảm tạo điều kiện giảm lãi suất vay, nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ là rất ít.

Về tình hình trong quý I năm 2013, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thông tin: hai yếu tố quyết định khôi phục tăng trưởng và ổn định vĩ mô là tăng trưởng tín dụng (0,03%) và thu chi ngân sách (16,7% và 18,5% dự toán cả năm) của quý I đều yếu hơn các năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa rơi xuống đáy, CPI tháng 3 bị âm 0,19%, sức cầu cực kỳ yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm nay tăng 4,9%, thấp xa so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%). Số lượng doanh nghiệp đóng cửa khoảng 15.300 doanh nghiệp lần đầu tiên “vươn lên” ngang với số doanh nghiệp đăng ký mới (15.700 doanh nghiệp). Tình hình này đã phản ánh sức khỏe thực tế không tốt của nền kinh tế.

Do đó, theo TS Trần Đình Thiên, những vấn đề hiện tại không thể được giải quyết bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa mà phải có những giải pháp cụ thể. Cần gấp rút đặt ra một cơ chế giải quyết nợ xấu, tăng cường quản lý rủi ro và hệ thống quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực giám sát của các nhà quản lý và đưa ra một khuôn khổ pháp lý hợp lý. Cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất, cụ thể, áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động.

Đỗ Huyền (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.