Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 là nội dung làm việc đầu tiên tại phiên họp 21 của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, diễn ra trong hai ngày 9 và 10/9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng tình việc miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất trồng lúa, đất làm muối, đất phục vụ nghiên cứu phát triển nông nghiệp. Thời hạn miễn, giảm 10 năm là phù hợp, thậm chí dài hơn nữa...

Theo tờ trình của Chính phủ, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống, hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2003-2010, mỗi năm đã miễn, giảm cho trên 11 triệu hộ với tổng số thuế miễn, giảm là 2.837 tỉ đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng việc ban hành nghị quyết của Quốc hội quy định tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, thể hiện chính sách đúng đắn trong việc tạo động lực tích lũy vốn của hộ gia đình nông dân, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống nông thôn.

Ảnh minh họa : Nguồn internet

Nhiều ý kiến cho rằng nên miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với diện tích đất trồng lúa và làm muối (không phân biệt trong và ngoài hạn mức).

Về thời hạn miễn giảm, đa số ý kiến tán thành thời hạn 10 năm để tạo căn cứ pháp lý ổn định cho chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, động viên nông dân yên tâm đầu tư sản xuất...

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết sẽ sửa lại dự thảo theo hướng: đất trong hạn mức được miễn hoàn toàn, trên hạn mức được giảm và trên hạn mức tích tụ thì thu 100%. Đất trồng lúa, làm muối được miễn toàn bộ; đất dành cho mục đích nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phục vụ nông nghiệp được miễn thay vì giảm thuế...

Cafeland.vn - Theo TTXVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland