Theo báo cáo, đến nay mô hình này đang phát huy được tính hiệu quả cho việc chủ đầu tư và khách hàng siêu dự án Usilk City cùng về đích vào cuối năm nay. Trong tuần đầu tiên triển khai, theo Ban đại diện khách hàng đã có khoảng 10 tỷ đồng được nộp vào tài khoản chung để rót cho công trình Usilk City. Về phía chủ đầu tư, theo cam kết Sông Đà Thăng Long (SĐTL) bỏ ra khoảng 35 tỷ đồng từ số tiền sang nhượng lại 1 dự án ở TPHCM để đầu tư cho khối đế chung của cụm CT1.
Được biết để có tính pháp lý, và tạo niềm tin giữa hai bên, ngày 4-8, khách hàng và chủ đầu tư dự án này cùng ký bản cam kết tiến độ để đưa công trình này về đích. Khách hàng cũng yêu cầu SĐTL phải áp dụng chế tài nghiêm với các khách hàng không muốn, hoặc không có nhu cầu hay khả năng đóng tiền tiếp. Hiện vẫn còn 135 khách hàng chưa nộp tiền đầy đủ theo tiến độ xây dựng của dự án, dù chủ đầu tư đã nhiều lần gửi thông báo nộp tiền.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc SĐTL cho biết, để đảm bảo công bằng cho các khách hàng chấp hành nghiêm việc đóng tiền, SĐTL sẽ đưa ra biện pháp xử lý (cao nhất là đơn phương chấm dứt hợp đồng, đã có 6 trường hợp bị thanh lý hợp đồng) đối với khách hàng chậm nộp tiền. Sau ngày 10-8 chủ đầu tư sẽ đưa ra danh sách các khách hàng không hợp tác để xử lý. Kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, SĐTL có toàn quyền định đoạt với các căn hộ có hợp đồng bị chấm dứt.
Theo đề xuất, các khách hàng chưa nộp đủ tiền theo tiến độ trong hợp đồng mua bán mà chưa mở tài khoản riêng, hoặc chưa nộp tiền trực tiếp vào tài khoản chung của cộng đồng, SĐTL sẽ có biện pháp xử lý để không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của đa số khách hàng cụm CT1. Hiện có một số lượng khá lớn khách hàng ( khoảng 100 hồ sơ) ở các toà nhà khác có giá trị số tiền đóng tương đương ở cụm CT1 là khoảng 70% xin đăng ký nộp tiền thế chỗ nếu có khách hàng ở CT1 không đóng tiền và thanh lý hợp đồng.
Mô hình tự quản lý dòng tiền của khách hàng cùng chủ đầu tư tại Usilk City, một dự án BĐS điển hình cao có nguy cơ đổ vỡ vì đầu tư dàn trải, bị thua lỗ, đang được giới BĐS và Bộ Xây dựng rất quan tâm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để khách hàng yên tâm là tiền mình nộp không bị chủ đầu tư mang đi làm việc khác, giải pháp đưa ra là khách hàng cần được trực tiếp giám sát nguồn tiền vào dự án để trực tiếp giải ngân cho từng hạng mục của công trình.
Bộ Xây dựng cho biết, với tư cách là cơ quan thường trực của Chính phủ về quản lý nhà ở, Bộ sẽ có văn bản kiến nghị với các địa phương tạo cơ chế giúp người dân và chủ đầu tư có điều kiện tự thỏa thuận cùng triển khai tiếp dự án. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước để thống nhất chỉ đạo các ngân hàng thương mại đồng thuận với chủ trương: Chưa thu hồi nợ ngay với những khoản tiền người dân tiếp tục nộp vào dự án để xây dựng nhà.
Mô hình “quản lý dòng tiền” vào dự án của khách hàng Usilk City là một mô hình khá chặt chẽ, hiệu quả. Đây là giải pháp tối ưu không chỉ cho Usilk City mà có thể cho nhiều dự án BBS khác có chung số phận “đắp chiếu” vì mất niềm tin của khách hàng và thiếu vốn khiến công trình ngưng trệ. Có thể đây sẽ là “lối thoát” của nhiều dự án trong bối cảnh thị trường BĐS bị suy giảm niềm tin một cách trầm trọng như hiện nay.