Mục tiêu đối với ngoại tệ trong thời gian tới là ổn định giá trị đồng Việt Nam (VND). Ổn định chứ không phải cố định. Ổn định là không làm cho nó biến động nằm ngoài tầm kiểm soát. Đây là trọng tâm của chính sách tiền tệ từ nay đến hết năm và những năm sắp đến.
Sẽ để cho VND lên giá

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh điều này khi trao đổi về mục tiêu ổn định giá trị VND trong chính sách tiền tệ trước mắt cũng như lâu dài.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ, cần phải nhìn nhận lại chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vị thế của VND. Có thời điểm chúng ta tạo ra một mặt bằng lãi suất làm cho VND tương đối bị nới lỏng, từ đó nền kinh tế phát triển... Đổi lại, hậu quả tiêu cực của nó là làm VND ngày càng mất vị thế. Nói một cách khác, niềm tin vào giá trị của VND bị ăn mòn. Nay chúng ta phải lập lại niềm tin đó, khẳng định lại bảo vệ giá trị VND là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Vừa qua chúng ta đã thiết lập được quan hệ hợp lý hơn trong lãi suất. Lãi suất tiết kiệm tiền đồng ít nhất hiện nay là 14%/năm, ngoại tệ 2%/năm. Đến giờ phút này các ngân hàng đã lách và họ trả cho người dân còn cao hơn mức đó. Giả định ngân hàng trả lãi suất đô la Mỹ tới 4%/năm, chênh lệch lãi suất vẫn còn 10%/năm.


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong một thời gian dài, chúng ta để VND tương đối cao giá trong tương quan sức mua với các đồng tiền khác, đặc biệt với đô la Mỹ. Tuy nhiên trong đợt điều chỉnh mạnh tháng 2-2011, ta đã làm cho tỷ giá thực của đồng nội tệ cân bằng với đồng đô la Mỹ. Từ tháng 2 đến nay, tỷ giá thực của VND đã lên giá đôi chút. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước thấy cần phải xem xét điều chỉnh tỷ giá, thì chúng ta cũng sẽ điều chỉnh không quá 1% từ nay đến cuối năm. Thậm chí Ngân hàng Nhà nước sẽ để cho VND lên giá một chút nữa.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình tin tưởng rằng, hiện tượng người dân đổ xô đi mua ngoại tệ sẽ không lặp lại nữa. Hiện tượng đô la hóa sẽ giảm mạnh. Từ tháng 2 đến nay người dân đã, đang và sẽ còn nghe ngóng, mức độ tin tưởng vào chính sách của mỗi người khác nhau. Nhưng nếu chúng ta kiên trì chính sách, niềm tin vào VND sẽ ngày càng lớn.


Những tháng qua tỷ giá ổn định, hoạt động đầu cơ không có đất dụng võ. Đầu tuần này do giá vàng biến động, giới đầu cơ cả trên thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường tự do tranh thủ tạo sóng. Trên thực tế, nhu cầu ngoại tệ thanh toán nhập khẩu hiện nay không cao. Thậm chí nhập khẩu xăng dầu cũng không có nhu cầu mua ngoại tệ.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN chưa can thiệp vào thị trường ngoại tệ liên ngân hàng vì tỷ giá tuy có dao động theo hướng đô la Mỹ lên giá so với tiền đồng, song vẫn còn nằm trong biên độ cho phép. Trước đó tỷ giá giao dịch liên ngân hàng nằm khá xa mức trần. Nếu chúng ta điều hành tốt thị trường vàng thì tôi tin tỷ giá sẽ mau chóng trở lại mức cũ.


Phải nhìn nhận thẳng thắn vừa qua không ít lần hiện tượng làm giá xuất hiện trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá cũng biến động tới 100-200 đồng/đô la Mỹ/ngày, nhưng nó không thể cưỡng lại chiều hướng chung. Còn khi cung cầu có vấn đề, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp mà động thái trực tiếp là bán ra ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối hiện nay cho phép chúng ta đủ sức can thiệp ở mức cần thiết. Ngoài ra, nếu cần Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tương quan lãi suất tiền đồng để hỗ trợ tỷ giá.


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng.


Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định, trong khi NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng, trong đó có tín dụng ngoại tệ, ở mức dưới 20% trong năm 2011, việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ là phù hợp. Quyết định tăng dự trữ bắt buộc chắc chắn sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, lạm phát.


TS Lê Xuân Nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất huy động tiền USD sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc.


Chênh lệch lãi suất tiền đồng và ngoại tệ cao khiến doanh nghiệp đổ xô vay tiền ngoại tệ lớn đã làm mất cân đối cung cầu trong mua bán ngoại tệ. Tăng dự trữ sẽ giúp tăng chi phí đầu vào, tăng giá cho vay và làm giảm nhu cầu vay của doanh nghiệp.


Mới đây, khi đánh giá về các chính sách điều hành tài chính, tiền tệ, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cũng thừa nhận, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất huy động USD có thể làm cho người dân cảm thấy đồng USD yếu đi ở trong nước vì lãi suất tiền đồng đang cao, người dân sẽ bán USD đi để gửi tiết kiệm bằng VND. Như vậy thì nguồn cung sẽ tăng lên và Nhà nước có cơ sở để thu gom USD, làm tăng dự trữ ngoại hối và làm cho thị trường ngoại hối ổn định hơn.


Tuy nhiên, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tiếp tục tăng cao (tăng 1,17%), sau 2 tháng giảm tốc, việc thắt chặt tiền tệ chắc chắn sẽ quyết liệt hơn, khiến lãi suất tiền đồng đứng trước sức ép mới.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tính đến cuối tháng 6/2011 đạt 819.000 tỷ đồng, tăng 1,58% so với cuối năm 2010. Trong đó, huy động ngoại tệ tăng 7,5%, huy động vốn tiền đồng giảm 0,73%.

Vốn tiền đồng huy động của các ngân hàng thương mại giảm, khi lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức cao là do tình hình khó khăn kéo dài nên các doanh nghiệp phải tận dụng hết các nguồn vốn tự có để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời bổ sung vốn lưu động, thay vì gửi tiết kiệm hay lưu giữ một lượng tiền trên tài khoản thanh toán như trước đây.

Thêm nữa, lãi suất tiền đồng dù đã vượt trần, song đang đứng trước thách thức mới do CPI tăng cao trở lại. Trong khi đó, cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng để đón đầu nhu cầu vốn của khách hàng vào cuối năm cũng là yếu tố góp phần tạo thêm sức ép đối với lãi suất tiền đồng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định: "Mặt bằng lãi suất chỉ có thể giảm khi lạm phát theo chiều hướng giảm nhiệt". Theo ông Lịch, khả năng CPI sẽ được kiểm soát tốt hơn trong những tháng còn lại của năm, vì thế lãi suất huy động tiền đồng cũng có cơ hội để điều chỉnh.


Để kiểm soát lạm phát, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý như đã nêu trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, giảm dần lãi suất cho vay. Vì vậy, kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20% vẫn là mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới. Trong đó, với tín dụng phi sản xuất, các ngân hàng thương mại phải chấp hành việc điều chỉnh tỷ lệ dư nợ về mức 16% vào cuối năm.
Theo Đức Trung (tamnhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh