Ông Lê Chí Hiếu
- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức đánh giá, giá
nhà đất hiện nay ở nước ta rất cao so với các nước trên thế giới. Điều
này do tác động của nhiều yếu tố như: cơ cấu giá thành đất đai, giá xây
dựng cao, lạm phát, các phí phi chính thức từ các thủ tục đất đai... Đặc
biệt, cơ cấu giá đền bù giải tỏa ngày càng cao cũng đã khiến cho giá
đất trên thị trường đứng ở mức cao, trong khi đó doanh nghiệp BĐS không
thể nâng giá nhà đất lên để bù lỗ. Chính vì vậy, mà có nhiều dự án BĐS
đang trên bờ vực thẳm.
Còn về vấn đề lãi suất, ngày 13-3 Ngân hàng Nhà nước
cũng đã giảm trần lãi suất huy động xuống còn 13%/năm và ngay sau đó,
một số ngân hàng cũng công bố giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, TS Đỗ
Thị Loan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng
“Việc Ngân hàng Nhà nước có giảm lãi suất huy động thêm 1% cũng không
giải quyết được vấn đề gì. Vì hiện nay, lãi suất vay Ngân hàng hiện ở
mức 22 - 23%/năm, như vậy là quá cao, DN rất khó tiếp cận vốn. Ngoài lãi
suất vay quá cao như trên, DN còn phải chịu một loại chi phí khác tùy
vào mối quan hệ giữa DN với Ngân hàng”.
Thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Một số doanh nghiệp BĐS cũng than phiền, với lãi suất
ngân hàng hiện nay cao như vậy, trong khi hầu hết các doanh nghiệp BĐS
để tồn tại và phát triển thì vốn vay phải hơn gấp nhiều lần so với vốn
chủ sở hữu. Vì vậy, các dự án BĐS càng để lâu thì càng lỗ nặng.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để “gỡ rối” những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: Số doanh nghiệp khai lỗ trong năm 2011 tăng 15% so với năm 2010. Theo đó, BĐS, xây dựng… là những ngành có hàng tồn kho lớn, dẫn tới sức cạnh tranh giảm và nguồn thu ngân sách cũng giảm. Hơn 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thu nhập doanh nghiệp âm, điều này đã phản ánh tình hình đang rất xấu.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh
nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng nhận xét, mức tồn kho của ngành BĐS đang ở
mức báo động. Doanh nghiệp không thể xoay vòng khi mà sản phẩm tồn kho
không có lối ra. Theo phản ánh của các doanh nghiệp BĐS, mỗi tháng một
doanh nghiệp mất đi 50-60 tỷ đồng chi phí điều hành, cho nên trong quý 2
và quý 3 tới đây nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt. Xây
dựng đình đốn, BĐS “đóng băng” đã kéo theo các ngành sản xuất vật liệu
xây dựng cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp BĐS đã kiến nghị lãnh đạo TP cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Đồng thời, ưu tiên cho doanh nghiệp BĐS đã hoàn thành 70% công trình được vay vốn để thực hiện hoàn thành công trình.