Sẽ có thêm hàng loạt doanh nghiệp địa ốc phá sản trong 2 năm tới, Ảnh: CafeLand
Một thực tế đã diễn ra tại Việt Nam là khi thị trường nhà đất bùng nổ, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chen chân vào “miếng bánh” bất động sản kiếm lợi nhuận khiến “bong bóng” của thị trường ngày một phình lớn và khó kiểm soát. Do vậy, khi thị trường này “xuống dốc” vào năm 2008, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng đổ nợ dẫn đến phá sản.
Theo ông Nguyễn Nam Sơn, nguyên nhân là do các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có tỷ lệ sử dụng “đòn bẩy” quá cao và đứng đầu ở Châu Á. Chính vì thế, họ sẽ không thể tồn tại trong suy thoái khi các ngân hàng chậm giải ngân cho vay do lo ngại nợ xấu.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược cơ cấu lại danh mục đầu tư và rút khỏi lĩnh vực bất động sản.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hoa Sen đã rút khỏi 3 dự án bất động sản lớn từ năm 2011 để quay trở lại ngành kinh doanh cốt lõi là sản xuất thép. Hay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng rút lui khỏi nhiều dự án bất động sản để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Theo số liệu Capital Partners Việt Nam, trong 2 năm tới sẽ có 90% công ty chứng khoán đóng cửa và nhiều công ty bất động sản sẽ bị phá sản. Nguyên nhân do việc quản trị của ban lãnh đạo không hiệu quả, không có chiến lược kinh doanh dài hạn và kế hoạch tài chính cũng không bền vững. Hầu hết, các công ty không có phân tích thị trường dài hạn 3-5 năm, trong khi đó hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cần có kế hoạch chiến lược phát triển khoảng 5 năm.
Ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, tái cơ cấu là yếu tố quan trọng nhất để giúp các công ty Việt Nam để tồn tại. Để thoát khỏi lĩnh vực bất động sản với thiệt hại nhỏ nhất, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh quy mô dự án, giá bán sản phầm và sản lượng tung ra trên thị trường vào mỗi thời điểm.