Đầu tháng 3.2019, UBND TP.HCM đã ra “tối hậu thư” yêu cầu chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên 23 tháng 9 (quận 1).
Đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng nhưng trong các văn bản pháp lý không ghi rõ thời gian hoàn trả, yêu cầu di dời trước ngày 30.4.2019. Ngoài ra, các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... trong công viên cũng phải di dời trước ngày 30.4.2019.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Lao Động ngày 10.6, các cơ sở kinh doanh ăn uống, cà phê, bãi giữ xe... vẫn đang hoạt động bình thường tại công viên 23 tháng 9.
Lối vào khu ẩm thực trong Công viên 23 tháng 9.
Khu ẩm thực và trung tâm mua sắm dưới lòng Công viên 23 tháng 9.
Bãi giữ xe máy trong công viên 23 tháng 9.
Trong suốt thời gian dài, công viên 23 tháng 9 bị "xẻ" để cho thuê làm nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, văn phòng.
Trong đó, Khu B công viên 23 tháng 9 rộng hơn 50.700m2, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Cửu Long được thuê hơn 5.600m2 để xây dựng công trình tạm để kinh doanh các dịch vụ; phần mặt bằng tầng hầm rộng gần 10.500m2 cũng được công ty này thuê làm trung tâm thương mại và bãi giữ xe.
Ngoài ra, khu B còn có sân khấu nhạc nước cũ (sân khấu Sen Hồng) và diện tích mặt bằng xung quanh rộng hơn 7.000m2; Trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (trong phần diện tích công viên đã cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại Cửu Long thuê); khu vực tòa nhà của Trung tâm phát triển quỹ đất TP rộng hơn 4.000m2.
Khu C công viên 23 tháng 9 rộng hơn 18.400m2 có ga xe buýt Sài Gòn rộng hơn 16.100m2 thuộc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP quản lý. Trong khi đó, khu A rộng hơn 40.000m2 và đã bàn giao gần 17.000m2 để thi công dự án metro, phần còn lại là bãi xe 2 bánh và công viên cây xanh.
Trong cuộc họp kinh tế - xã hội TP.HCM mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong rất bức xúc, vì việc chỉnh trang công viên 23 tháng 9 làm mãi... không xong.
Ông Nguyễn Thành Phong nhận xét: "Các đồng chí làm việc không có kỷ cương. Nếu chúng ta không đeo bám công việc thì tiến độ rất chậm. Chúng ta nói khi nào xong thì phải có lộ trình cụ thể chứ không thể cứ nói cho hài lòng nhau mà mãi không xong".
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - Lê Hòa Bình cho biết, vừa qua Sở Xây dựng đã làm việc và được biết công tác di dời bị chậm do các đơn vị bàn giao chậm. Còn đối với sân khấu Sen Hồng (6.000 m2), ông Bình cho biết sẽ phá bỏ để xây dựng công viên theo quy hoạch được duyệt.
Dự kiến trong tuần này, Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ có buổi làm việc với Sở xây dựng để nghe báo cáo tình hình chi tiết về công tác các cơ sở trong công viên như Nhà hát Búp Sen Hồng, bãi xe buýt, những việc phải làm sau khi di dời như chỉnh trang công viên, trồng cây xanh