Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 4 và năm 2022 với kết quả không mấy khả quan.
Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn thua lỗ gần 26 tỷ đồng trong quý 4/2022
Theo đó, doanh thu thuần trong quý 4/2022 của Xi măng Bỉm Sơn đạt hơn 919 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, do giá vốn và chi phí bán hàng tăng cao nên doanh nghiệp này báo lỗ tới gần 26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 14 tỷ đồng.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 4 của Xi măng Bỉm Sơn giảm 223,41% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 54,61 tỷ đồng chủ yếu mức giảm của doanh thu bán hàng và thu nhập khác lớn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cùng các chi phí khác.
Lãnh đạo Xi măng Bỉm Sơn cho biết, biến động kinh tế trong nước và thế giới trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ suy yếu theo thị trường bất động sản đã khiến lợi nhuận trong giai đoạn này suy giảm đáng kể.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của Xi măng Bỉm Sơn đạt 4.218 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,5% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 62,9 tỷ đồng, giảm gần 39% so với năm ngoái.
Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty là 4.099 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm đến 48,2%, tương đương gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (chiếm đến 96%). Vốn chủ sở hữu của Xi măng Bỉm Sơn đạt 2.122 tỷ đồng. Đáng chú ý, tồn kho trong giai đoạn này lại tăng cao hơn 90% so với hồi đầu năm, lên mức 604 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của Xi măng Bỉm Sơn không gây bất ngờ khi tình hình tiêu thụ kém khả quan trong năm 2022. Báo cáo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước trong năm 2022 đạt 62,68 triệu tấn, gần tương đương và bằng 99,66% so với năm 2021.
Xuất khẩu xi măng và clinker trong năm qua ghi nhận sụt giảm rất mạnh so với thực hiện của năm ngoái. Riêng tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh tới 64% do nước này vẫn duy trì chính sách Zero Covid và thị trường Philippines giảm do vấn đề áp thuế phòng vệ đối với một số doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước gánh nặng về chi phí và áp lực tồn kho ngày càng phình to, thời gian qua nhiều đơn vị thuộc Vicem đã có điều chỉnh tăng giá xi măng trong tháng 3, 5 và 6. Biên độ tăng dao động trong khoảng 50.000-100.000 đồng một tấn ở mỗi lần điều chỉnh.
Trên thị trường, ngày 2/2/2023, cổ phiếu BCC đang giao dịch với giá 10.200 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 24% so với thị giá hồi đầu năm 2023.
-
Trong cơn bão giá nguyên liệu, “ông lớn” xi măng làm ăn ra sao?
Những “quả tạ” riêng biệt nhưng chồng chéo nhau, gồm bão giá nguyên nhiên liệu đầu vào, rủi ro lạm phát, chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản cùng với sự suy yếu của kênh xuất khẩu đã kéo lợi nhuận năm 2022 của Vicem đi lùi.
-
“Bóc” nguyên nhân khiến Xây dựng Hòa Bình lỗ lớn nhất lịch sử
Sau nhiều lần trì hoãn, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 với con số lỗ hợp nhất cả năm 2022 hơn 2.570 tỷ đồng.
-
“Đại gia” ngành xây dựng lỗ thêm nghìn tỷ sau kiểm toán, thay mới loạt nhân sự cấp cao
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mới đây đã công bố các tờ trình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 27/6.
-
Chủ Gem Center, White Palace “bỏ túi” hơn 350 triệu mỗi ngày
Năm 2022, chủ sở hữu các trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace ghi nhận hơn 130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11 lần so với năm 2021.