Vicem ước lãi 1.532 tỉ đồng năm 2022
Năm 2022, thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cao so với cầu. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cùng với ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu… đã góp thêm vào bức tranh buồn của doanh nghiệp nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành xi măng.
Lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 của Vicem ước đạt 1.532 tỉ đồng, giảm 29,5% so với năm ngoái
Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), nguồn cung xi măng trong 11 tháng năm 2022 đạt 86 triệu tấn, giảm 9,92% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thị trường nội địa (nơi hấp thụ khoảng 65% nguồn cung) năm qua sụt giảm 5% so với năm 2021, chỉ còn khoảng 57 triệu tấn.
Lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, sự mất cân đối cung - cầu cục bộ giữa các vùng miền làm tăng chi phí logistics. Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao. Kênh xuất khẩu xi măng, clinker cũng gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, gây áp lực ngược trở lại thị trường trong nước.
Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển nhu cầu xi măng bao sang xi măng rời làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Vicem do giá trị thương hiệu chủ yếu gắn với xi măng bao.
Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, doanh thu năm 2022 của Vicem ước đạt 39.453 tỉ đồng, tăng 16,6% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ở mức 1.532 tỉ đồng, bằng 89,9% kế hoạch năm và giảm 29,5% so với năm ngoái.
Kết thúc năm 2022, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Vicem đều cơ bản cán đích kế hoạch. Cụ thể, sản lượng sản xuất clinker đạt 20,65 triệu tấn, bằng 96,2% so với kế hoạch năm và giảm 5% so với năm 2021. Tổng sản phẩm xi măng tiêu thụ của Vicem trong năm này ước đạt 27,46 triệu tấn, bằng 93,2% so với kế hoạch năm và giảm 6,7% so với năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phía Vicem cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khi một số đơn vị thành viên như Xi măng Hạ Long, Xi măng Tam Điệp và các đơn vị thương mại, dịch vụ vận tải, sản xuất bao bì gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao… đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Ngoài ra, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư về đất đai, mỏ nguyên liệu trong năm 2022 vẫn còn chậm so với kế hoạch, dẫn đến phải xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Trong công tác cổ phần hoá, vấn đề vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc phê duyệt phương án sắp xếp xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Do thủ tục về đất đai phụ thuộc vào quy trình và thời gian xử lý hồ sơ của các địa phương, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền nên Vicem không chủ động được về thời gian hoàn thành.
Đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn
Trước những dự báo về thị trường, cung - cầu trong nước vẫn chưa được khống chế, Vicem đặt mục tiêu sản xuất clinker trong năm 2023 đạt khoảng 24,2 triệu tấn, tăng khoảng 17% so với năm 2021. Tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm trước. Tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỉ đồng.
Vicem đề xuất 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong năm 2023
Để hoàn thành các mục tiêu này, Vicem sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu xi măng vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nam Mỹ…
Bên cạnh đó, Vicem cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sáu giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong năm 2023.
- Một là, rà soát để tái cơ cấu Tổng Công ty trong giai đoạn 2022-2025.
- Hai là, trình Bộ Xây dựng điều chỉnh phương án vốn điều lệ tại công ty mẹ.
- Ba là, kế hoạch sản xuất 5 năm giai đoạn 2021-2025.
- Bốn là, đề xuất Bộ cho phép giữ lại dự án Trung tâm điều hành và giao dịch của Vicem để đầu tư, sử dụng làm trụ sở Trung tâm điều hành của Tổng Công ty.
- Năm là, xem xét chất lượng các đơn vị thành viên, bổ sung các mỏ nguyên liệu trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các khoáng sản vật liệu xây dựng giai đoạn 2021-2030.
- Sáu là, đề xuất ý kiến với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT tạo điều kiện cho Tổng Công ty thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản và kiến nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp kích cầu xi măng.
Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm ở cả kênh nội địa lẫn xuất khẩu. Dự báo năm 2023 còn khó hơn, nếu thực hiện tăng thuế xuất khẩu clinker lên 10% thì doanh nghiệp sản xuất không chịu nổi. Vì vậy, VNCA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker kể từ ngày 1.1.2023 theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, ngành xi măng cũng kỳ vọng Chính phủ triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và giải ngân nhanh các công trình đầu tư công, từ đó sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ xi măng ở trong nước.
-
Trung Quốc mở cửa kinh tế, ngành thép và xi măng có được hưởng lợi?
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Việc nước này mở cửa trở lại sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế nước ta. Thép và xi măng là hai trong số những ngành được hưởng lợi từ động thái này.
-
Bộ Xây dựng yêu cầu các nhà máy xi măng thực hiện ngay một việc, có thể giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các công ty xi măng chưa lắp đặt để đôn đốc việc lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Theo đó, việc đầu tư hệ thống phát điện nhiệt khí thải lò nung xi măng giú...
-
Công ty xi măng có loạt sếp lớn vướng vòng lao lý đang kinh doanh ra sao?
Trong giai đoạn 2018-2023, doanh nghiệp này đã để xảy ra thua lỗ, lũy kế gần 5.000 tỷ đồng, hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 400 công nhân, người lao động.
-
Nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam vừa chứng kiến thua lỗ nghìn tỷ năm thứ 2 liên tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 bộ vào cuộc làm rõ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ cả nghìn tỷ.