01/02/2023 10:22 AM
Với sự đi lên của giá nguyên liệu đầu vào, giá thép xây dựng trong nước vừa được điều chỉnh tăng lần thứ 2 liên tiếp sau Tết Nguyên đán với mức tăng cao nhất tới 510.000 đồng/tấn.

Giá thép xây dựng trong nước tăng mạnh lần thứ 2 liên tiếp với mức tăng lên đến 510.000 đồng/tấn

Sau đợt điều chỉnh tăng ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ ngày 30/1, nhiều doanh nghiệp thép lại thông báo tăng giá sản phẩm thép xây dựng với mức tăng từ 460.000-710.000 đồng/tấn.

Tới ngày 31/1, các doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng thêm từ 200.000-510.000 đồng/tấn (tùy từng thương hiệu). Đây là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Cụ thể, ở lần điều chỉnh này, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc tăng 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của 2 sản phẩm này hiện lần lượt là 15,54 triệu đồng/tấn và 15,53 triệu đồng/tấn.

Tương tự tại thị trường miền Trung, mặt hàng thép cuộn CB240 của Hòa Phát cũng được điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn, hiện ở mức 15,37 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200.000 đồng/tấn có giá 15,42 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 Hòa Phát cùng có mức tăng 300.000 đồng/tấn. Hiện giá của hai sản phẩm này có giá lần lượt là 15,42 triệu đồng/tấn và 15,47 triệu đồng/tấn.

Với lần điều chỉnh trong ngày 31/1, đây là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp tính từ đầu năm 2023 đến nay

Cũng trong đợt điều chỉnh này, thép Việt Ý cũng có điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này trong ngày 1/2 lần lượt ở mức 15,4 triệu đồng/tấn và 15,55 triệu đồng/tấn.

Cùng mức tăng trên, giá của hai sản phẩm CB240 và D10 CB300 của thép Kyoei hiện đang được bán ở mức 15,28 triệu đồng/tấn và 15,53 triệu đồng/tấn.

Thép miền Nam tăng 310.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và tăng 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện lần lượt là 16,04 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn.

Trên thực tế, giá thép xây dựng trong nước đã được các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng, nhưng không xuất phát từ nhu cầu thị trường, mà nguyên nhân chính là từ việc giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, năm 2022 là một năm đầy thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ. “Ngành thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý 2/2023”, VSA nhận định.

Nhận định về triển vọng ngành thép năm 2023, các công ty chứng khoán cũng cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... Kỳ vọng của ngành thép năm 2023 là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm trước.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.