Hơn nửa tháng trôi qua, kể từ ngày lăng mộ của bà Tài nhân Cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận (vợ vua Tự Đức) bị san ủi làm bãi đỗ xe, đến nay, mọi chuyện chưa dừng lại, chưa có hồi kết mà sự việc đang nóng lên.
Bảng quy hoạch bãi đỗ xe phục vụ di tích, nhưng chính quyền lại xâm hại đến di tích. Ảnh: Đ.T
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế "đá" trách nhiệm
Nói như đại diện dòng họ Nguyễn Phước tộc, “Chúng tôi đã cho qua mọi chuyện khi đơn vị thi công nhận sai và hứa xây dựng lại. Thế nhưng, bây giờ chính quyền lại muốn di dời lăng đi nơi khác để lấy đất cho dự án, thì quả là quá đáng”.
Có lẽ, lúc còn sống và đến lúc mất đi rồi được an nghỉ ở khu vực đó, bà Tài nhân Cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận cũng không thể ngờ rằng “nhà” mình sau này lại bị hậu thế san ủi để làm bãi đỗ xe. Trong một phát biểu, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế từng cho rằng, ở đó chúng tôi đã rà soát kỹ và không phát hiện ra sự tồn tại của cái lăng nào?!
Nhưng rồi sau đó, khi bị phản ánh và con cháu dòng tộc Nguyễn Phúc đã tìm ra được tấm bia minh chứng cho sự tồn tại của ngôi lăng mộ thì ông Tuấn lại đáp rằng, cái này là lỗi của đơn vị thi công, khi đất chưa được bàn giao mặt bằng thì đã vội thi công.
Và rằng, khi có sự phản ánh của người dân về việc ở đó có sự tồn tại của lăng mộ thì đáng lẽ ra đơn vị thi công phải dừng lại và báo cáo với chính quyền. Ai cũng hiểu rằng, quả bóng trách nhiệm trong vụ này đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố "đá" qua đơn vị thi công là Công ty Chuỗi Giá Trị một cách không thương tiếc.
Nhưng, xin thưa với ông Tuấn rằng, nếu như ông đã phát biểu rất chắc chắn là đã rà soát kỹ và chắc chắn ở khu đất đó không có một ngôi mộ nào thì cho dù đất đã được bàn giao hay chưa bàn giao thì chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Xâm hại di tích để xây dựng công trình phục vụ di tích?!
Sự bức xúc của con cháu dòng tộc Nguyễn Phúc và người dân đẩy lên đỉnh điểm khi mới đây chính quyền địa phương muốn di dời ngôi mộ đi nơi khác để lấy đất cho dự án làm bãi đỗ xe. Và trong tờ trình gửi lên UBND tỉnh thì UBND thành phố đã trích dẫn lời của một số người dân ở đó, rằng không có sự tồn tại của lăng mộ nào cả, rằng ở đó là cái lăng không có chủ, bỏ hoang đã lâu, nấm mộ không còn hiện trạng....
Nhưng khi gặp báo chí, người dân nơi đây đã xác nhận hoàn toàn khác, rằng ngôi mộ ở đó một số chỗ tường bị sụt lún, và trong mộ còn một tấm bia đá có chữ Hán. Không hiểu từ bao giờ chính quyền lại cho mình cái quyền được quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của một cái lăng mộ như vậy? Nói như một ý kiến của các nhà nghiên cứu ở Huế, ngôi mộ khi xây ở vị trí mới thì chỉ phục vụ việc tâm linh, thờ cúng còn giá trị về mặt vị trí, lịch sử sẽ không còn.
Bên ngoài khu đất đang được san ủi nham nhở, có một tấm bảng vẽ chi tiết hình hài của bãi đỗ xe khi hoàn thành. Theo đó, bãi đỗ xe có diện tích 17.000m2 được xây dựng lên để phục vụ cho việc đón khách tham quan khu lăng mộ vua Tự Đức. Một điều khá nghịch lý là, bãi đỗ xe được xây dựng lên để phục vụ du khách tham quan lăng tẩm thì trong lúc đó chính quyền lại muốn di dời lăng đi nơi khác.
Và cạnh đó, một lăng mộ của bà Học Phi là vợ vua Tự Đức cũng bị san ủi sát chân tường gây ra nỗi lo sạt lở khi mùa mưa đến. Không hiểu, trong những hoàn cảnh này, chính quyền nơi đây muốn du khách tham quan cái gì khi liên tiếp xâm hại di tích.
Và cũng không hiểu rằng, một ngày ở khu vực đó đón bao nhiêu lượt khách, bao nhiêu lượt xe cộ mà lại xây dựng lên một bãi đỗ xe quy mô và hoành tráng vậy, đến nỗi muốn di dời luôn cả lăng mộ vợ vua để lấy đất cho dự án?
Nguyễn Đắc Thành (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.