11/03/2024 9:18 AM
Hầm Phước Kiến trên quốc lộ 13 được xây dựng bằng bêtông cốt thép, tuổi thọ thiết kế 100 năm có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Công trình hoàn thành giúp giảm tải áp lực giao thông khu vực ngã năm Phước Kiến, kết nối quốc lộ với khu vực cửa ngõ thành phố mới Bình Dương.

Vị trí sẽ xây dựng hầm chui Phước Kiến

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, hiện đang tiến hành những bước đầu tiên để thực hiện dự án xây dựng hầm chui tại khu vực ngã năm Phước Kiến trên quốc lộ 13 đoạn qua thành phố Thủ Dầu Một.

Đây là đầu mối giao thông quan trọng, giao cắt quốc lộ 13 với các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Cù, Nguyễn Văn Tiết.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực, tăng hiệu quả kết nối tuyến quốc lộ huyết mạch với các tuyến đường cửa ngõ của thành phố mới Bình Dương.

Theo Ban Quản lý dự án, hầm làm theo hướng từ đường Huỳnh Văn Cù đến Phạm Ngọc Thạch. Đường dẫn hai đầu hầm dài gần 230 m, chiều dài của tuyến khoảng 630 m. Công trình có tổng kinh phí 1.050 tỉ đồng, thi công trong hai năm.

Hầm Phước Kiến được xây bằng bêtông cốt thép, tuổi thọ thiết kế 100 năm; tĩnh không 5 m; vận tốc thiết kế hầm và đường gom hai bên 40 km/h.

Trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 13 được xác định là tuyến đường chính yếu khu vực phía Nam.

Tuyến này nối từ Quốc lộ 1, TP Thủ Đức (TPHCM), đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, đến Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) dài 142,2km; được quy hoạch đường cấp II-III với quy mô quy hoạch 4-6 làn xe.

Tuyến đường Quốc lộ 13 hiện đóng vai trò trục chính đô thị, tiếp nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn tại nút giao Bàu Bàng, đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch nối liền TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước

Hiện nay, mật độ đô thị hóa dọc hai bên tuyến Quốc lộ 13 hiện nay rất cao. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại dọc tuyến đã và đang hình thành.

Tháng 4/2022, tỉnh Bình Dương đã khởi công dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến nút giao Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một), dài khoảng 13 km.

Dự án được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng sẽ nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ 13 từ quy mô 6 làn xe lên 8 làn xe với chiều rộng bề mặt đường 40,5m.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến đường quốc lộ 13 qua địa bàn, vừa qua tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất điều chỉnh Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh thành đường địa phương.

Điều này sẽ giúp Bình Dương thuận lợi, chủ động và thống nhất trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng tuyến Quốc lộ 13.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sau đó cũng đã có chỉ đạo, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương thực hiện đầy đủ các thủ tục về quy hoạch, giao thông đường bộ, quản lý tài sản công để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân loại, điều chỉnh đối với đoạn Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bộ Giao thông Vận tải phản hồi, để tạo điều kiện cho địa phương chủ động, thuận lợi trong đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị dọc tuyến, việc điều chỉnh Quốc lộ 13 thành đường địa phương là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Vì vậy, Bộ Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương thành đường địa phương.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.