07/04/2013 8:26 AM
Như vậy, phiên bán vàng miếng thứ ba theo phương thức đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thành; tổng cộng, thị trường vàng đã được bổ sung thêm 54.400 lượng vàng SJC.

Thị trường vàng đã có một trật tự mới: NHNN là người tổ chức thị trường vàng và là người mua bán cuối cùng. NHNN ấn định giá vàng và quyết định khối lượng vàng lưu thông trên thị trường. Các phiên bán đấu thầu sẽ được tiếp tục tổ chức, tương lai các phiên mua đấu thầu cũng được tổ chức. Một “đại gia” mới đã có mặt trên thị trường, vừa tổ chức, vừa ấn định giá, vừa mua bán, đồng thời là đơn vị quản lý Nhà nước với thông điệp gửi đi là sẽ chấm dứt hoạt động của thị trường vàng. Có lẽ vì đây là mô hình độc nhất vô nhị, chưa từng có trong lịch sử thế giới nên dư luận có nhiều thắc mắc. Tuy nhiên mục đích của NHNN qua 3 phiên đấu thầu đã rõ: Trước mắt là tăng cung cho thị trường vàng với hy vọng là khi có đủ hàng hóa, thị trường sẽ tự điều chỉnh giá và hy vọng giá vàng trong nước sẽ giảm gần với giá thế giới. Tuy nhiên hy vọng có vẻ xa vời.

Theo NHNN, để bình ổn thị trường, NHNN sẽ bán vàng ra, nhưng NHNN không tự mình bình ổn giá vàng. Nhiệm vụ đó là của thị trường vàng. Tuy nhiên theo trình bày trước Quốc hội cũng như các tuyên bố của chính Thống đốc NHNN và các cộng sự, mục đích của tất cả mọi hoạt động của NHNN với thị trường vàng gồm: Bình ổn thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới, từng bước đóng cửa thị trường buôn bán, đầu cơ vàng miếng và đưa lượng vàng dự trữ trong dân vào thị trường vốn. Vậy việc bán vàng ra của NHNN phục vụ thế nào cho những mục đích này.

Áp lực cầu của thị trường vàng

Các phiên đấu thầu vàng của NHNN diễn ra rất chóng vánh. Với bất kể giá nào, kể cả cao hơn giá thị trường, một số khách hàng vẫn đặt mua. Đó là những tổ chức tín dụng (TCTD) đang chịu áp lực trước thời hạn tất toán trạng thái vàng (30-6) theo quy định của NHNN. Còn lại là các đơn vị kinh doanh vàng chờ đợi lợi nhuận từ việc mua vàng của NHNN bán ra thị trường. Các đơn vị này chỉ mua khi giá vàng bán ra của NHNN thấp hơn giá thị trường. Và họ đã mua, mua nhiều và sẽ còn mua nhiều vì thị trường vẫn đang cần nhiều hàng hóa. Đã rõ áp lực cầu của thị trường có hai yếu tố: Các TCTD mua vàng để trả nợ người gửi và dân mua vàng dự trữ.

Theo báo cáo nội bộ của NHNN, tính đến cuối năm 2012, chỉ còn 12 tổ chức tín dụng có số dư huy động và cho vay bằng vàng, giảm từ con số 20, trong đó có 3 tổ chức còn số dư không lớn. Điều này có nghĩa là chỉ còn 9 tổ chức tín dụng đang “cần” vàng gấp. Như vậy, việc NHNN đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn giá thị trường là hoàn toàn có lý. NHNN, hay chính xác hơn là ngân sách quốc gia, không thể bỏ tiền ra để bù lỗ kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng. Từ con số 54.400 lượng vàng bán ra trong tuần qua cũng có thể đoán được, số vàng mà các tổ chức tín dụng cần có để tất toán tài khoản khá lớn. Không hiểu số vàng thực mà các tổ chức tín dụng đang thiếu để tất toán tài khoản vàng sẽ là bao nhiêu?

Thứ hai là nhu cầu mua vàng dự trữ của các doanh nghiệp và người dân. Trước sự khó khăn của sản xuất kinh doanh, nhu cầu bảo toàn vốn trong dân cực kỳ gay gắt và rõ ràng không có kênh bảo toàn nào tốt hơn vàng. Nhu cầu mua vàng dự trữ, tiết kiệm và bảo toàn vốn cực kỳ lớn, các chuyên gia cho rằng không thể thỏa mãn được nhu cầu này nếu sản xuất kinh doanh vẫn còn đình trệ.

Như vậy để đảm bảo đủ hàng hóa cho một thị trường khát khao như vậy, NHNN sẽ tung ra bao nhiêu vàng cho đủ? Theo NHNN sắp tới sẽ tung ra thị trường khoảng 9 tấn vàng. Cũng theo NHNN số vàng dự trữ trong dân có khoảng 400 tấn. Chỉ từ hai con số đó, về mặt định tính đã cho thấy số vàng để thỏa mãn thị trường không phải là vài chục tấn mà là hàng trăm tấn. NHNN có đủ sức hay không (?) Có thể đến lúc đó NHNN sẽ lại nói: Bình ổn là việc của thị trường, NHNN chỉ là đưa ra các chủ trương thôi. NHNN vốn bất nhất trong các tuyên bố của mình từ lâu rồi.

Những kịch bản nào cho thị trường vàng?

Kịch bản đẹp nhất cho NHNN là sau khi bán ra thị trường 9 tấn vàng theo kế hoạch sẽ đủ hàng hóa để tự động điều chỉnh giá vàng sát với giá thị trường. Sau đó NHNN sẽ mở cửa mua vàng, đưa dần số vàng dự trữ của dân vào thị trường vốn. Kịch bản này rất ít hy vọng thành công, chỉ mới có kế hoạch bán vàng ra, cán cân thương mại quốc tế của nước ta đang từ xuất siêu đã chuyển thành nhập siêu với lượng mua vàng và đá quý lên đến 900 triệu USD trong tháng 3-2013. Vậy với nhu cầu vàng hàng hóa như trên đã phân tích, nền kinh tế chúng ta có chịu đựng được không, có ảnh hưởng gì đến dự trữ ngoại hối, có ảnh hưởng gì đến sản xuất kinh doanh không? Chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề và kế hoạch sẽ khó mà thành công.

Kịch bản thứ hai là các hoạt động bán vàng ra không bình ổn được thị trường? Lúc đó, đến thời điểm tất toán vàng của các TCTD giá vàng sẽ leo cao đến tột đỉnh, gây thiệt hại to lớn, thậm chí có thể xảy ra đổ vỡ đối với các TCTD này. Mặt khác do giá vàng lên cao, NHNN sẽ áp dụng những biện pháp quản lý khắc nghiệt và chắc chắn sẽ có một thị trường vàng ngầm với hoạt động buôn lậu rầm rộ và tinh vi. Kịch bản thảm họa này, theo các chuyên gia, sẽ là thảm họa của nền kinh tế. Quan trọng hơn, lại như thị trường BĐS, lòng tin vào thị trường đã mất, nhà nhà lo mua vàng, người người lo mua vàng. Ai có thể đối phó với cơn sóng dữ này?

Nhưng cũng còn có một kịch bản thứ ba được các chuyên gia kinh tế hàng đầu đặt ra từ nửa cuối năm 2012. Đó là cùng với việc tăng hàng hóa cho thị trường vàng cần khẩn trương tổ chức lại thị trường vàng với những công cụ thị trường hiện đại. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng: “Một cái chợ đúng nghĩa thị trường sẽ đỡ cho NHNN rất nhiều. Lúc đó, NHNN chỉ quản lý các điều kiện, quy định. Muốn làm được như vậy chúng ta phải thay đổi cơ chế, chính sách, chuyển sang giao dịch online. Đây là những tiền đề để hình thành sàn giao dịch vàng quốc gia trong tương lai. Tới lúc đó, mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với thế giới, chống vàng hóa… vẫn có thể đạt được. Những giải pháp chúng ta đang thực hiện là trước mắt nhưng nguy hại lâu dài”. Để đạt được mục đích đó NHNN dĩ nhiên phải từ bỏ một số đặc quyền như hiện nay.

Giá vàng phản ứng xấu với các phiên đấu thầu vàng

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, NHNN là đơn vị kinh doanh vàng để bình ổn thị trường, không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng cũng không hẳn bán vàng giá thấp để chịu lỗ. Do đó, nếu cơ quan này dự đoán được tổng nguồn cầu trên thị trường là bao nhiêu, từ đó đưa ra lộ trình thích hợp sẽ hạ giá vàng xuống từng bước một. Nhưng việc xác định tổng cầu là việc không thể, vì vậy, sau 3 phiên bán ra, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới 4,1 triệu đồng một lượng, xấp xỉ 10%. Đó là một con số đắng ngắt.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, chúng ta cần tạo ra một cơ chế mua bán vàng bình đẳng, thuận tiện và liên thông với thị trường vàng thế giới thì sẽ có nhiều người đến mua và cũng sẽ có nhiều người tham gia bán. Lúc đó, NHNN không cần phải lấy dự trữ ngoại hối quốc gia để can thiệp thị trường vàng.

Cận (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.