12/06/2025 7:45 AM
Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, việc sắp xếp trụ sở công dôi dư cũng là vấn đề cấp bách về quản lý và sử dụng hiệu quả.

Báo cáo tổng hợp của Bộ Nội vụ cho thấy hiện có tổng cộng 38.182 trụ sở công ở cấp tỉnh. Trong đó, 33.956 trụ sở được tiếp tục sử dụng, còn lại 4.226 trụ sở dôi dư.

Bày tỏ băn khoăn về bố trí các trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (tỉnh Đắk Lắk) cho rằng việc này cần được tính toán để đảm bảo công năng sử dụng trong bối cảnh hiện nay, tránh lãng phí.

“Số lượng trụ sở công dự kiến dôi dư là 4.226 trụ sở. Mặc dù trong tờ trình, Chính phủ cũng đã đặt vấn đề sau khi có nghị quyết, Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về xử lý, sử dụng tài sản công phù hợp, tuy nhiên Chính phủ nên sớm ban hành hướng dẫn, quy định cụ thể vấn đề này”, bà Nguyệt nói.

Theo đại biểu, về lâu dài, cần tính toán để điều chỉnh, sửa chữa, đầu tư ngân sách tu sửa các tài sản dư thừa hiện nay để phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như y tế, giáo dục. Với các trụ sở công không phù hợp cho y tế, giáo dục cũng cần có định hướng sử dụng, tránh để mục nát, hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí lớn hơn và tránh gây dư luận không tốt về tài sản công dư thừa.

Cần có kế hoạch tổng thể để sử dụng tài sản công dôi dư sau sáp nhập

Cùng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Lê Minh Nam (tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch định hướng tổng thể trong việc sử dụng tài sản công dôi dư sau sắp xếp.

“Cần có phương án xử lý phù hợp với đặc thù từng địa phương. Tôi nghĩ cũng cần quan tâm cách thức bố trí phân cấp phân quyền để địa phương chủ động xử lý, đảm bảo triển khai, khai thác nguồn lực, tránh lãng phí”, đại biểu Nam kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Thành Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng để giải quyết vấn đề trụ sở công vụ sau sáp nhập bộ máy, cần rút kinh nghiệm thực tiễn trước mắt và thực hiện đồng bộ ba giải pháp sau:

Thứ nhất, lập kế hoạch tổng thể về sử dụng trụ sở ngay từ giai đoạn chuẩn bị sáp nhập. Cần có một cuộc rà soát, đánh giá kỹ lưỡng toàn bộ quỹ nhà, trụ sở hiện có. Qua đó, xác định rõ những công trình nào sẽ tiếp tục được sử dụng, công trình nào dư thừa. Điều này giúp chúng ta có phương án xử lý kịp thời, tránh tình trạng công trình xuống cấp gây lãng phí.

Thứ hai, đẩy nhanh việc chuyển đổi công năng hoặc thanh lý các trụ sở không còn phù hợp. Những trụ sở dư thừa có thể được chuyển đổi công năng để phục vụ các mục đích công cộng khác như trường học, cơ sở y tế, trung tâm dịch vụ công. Hoặc, có thể đưa chúng vào diện đấu giá, cho thuê để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài sản công theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc này cần được triển khai nhanh chóng, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn lực.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm quản lý và tăng cường giám sát, kiểm tra. Các đơn vị được giao quản lý tài sản công phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ về tình trạng sử dụng. Nếu phát hiện tình trạng bỏ hoang, lãng phí, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh; cần công khai danh sách các trụ sở dư thừa để thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, từ đó đẩy nhanh quá trình tái sử dụng hoặc chuyển nhượng.

“Nếu thiếu một chiến lược quản lý rõ ràng và sự giám sát chặt chẽ, tình trạng lãng phí trụ sở công vụ sẽ tiếp tục tái diễn, gây thất thoát lớn cho ngân sách và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính”, ông Hà nêu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw

Ông Hà cũng chia sẻ rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ hoang các tòa nhà công vụ là sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của các đơn vị được giao quản lý tài sản công. Do đó, các đơn vị quản lý nhà công vụ phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ về tình trạng sử dụng và đề xuất phương án khai thác.

“Nếu để xảy ra tình trạng lãng phí hoặc xuống cấp mà không có biện pháp xử lý, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan”, ông Hà nói.

Trong công văn mới đây, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương đẩy mạnh triển khai Công điện số 80/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý tài sản sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp; đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền; xây dựng, cập nhật kế hoạch xử lý tài sản dôi dư theo hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, tránh để tài sản công bị lãng phí.

Các đơn vị định kỳ gửi báo cáo kết quả xử lý tài sản dôi dư hằng tháng. Sau khi cơ sở dữ liệu theo dõi tiến độ xử lý trụ sở, công trình dôi dư được vận hành, các báo cáo sẽ được cập nhật trực tuyến hằng ngày.

Đối với các lĩnh vực đặc thù như y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, cần hướng dẫn địa phương xác định tiêu chuẩn, yêu cầu về diện tích nhà, đất xây dựng cơ sở công lập theo mô hình bộ máy mới.

Các bộ, cơ quan trung ương có hệ thống ngành dọc tại địa phương như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... cần xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu hoạt động và phối hợp với địa phương để xử lý tài sản dôi dư theo hướng điều hòa, sử dụng hiệu quả.

Chủ đề: Sáp nhập Tỉnh
  • Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản công tại các tỉnh phía Nam

    Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản công tại các tỉnh phía Nam

    Bộ Tài chính tổ chức đoàn công tác làm việc tại TP.HCM và hai tỉnh phía Nam nhằm kiểm tra, hướng dẫn xử lý tài sản công trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Các vấn đề pháp lý, thực tiễn và điều phối liên ngành đang được tập trung tháo gỡ để bảo đảm hiệu quả.

  • Từ 19/6/2025: Bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài sản công

    Từ 19/6/2025: Bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài sản công

    Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 21/2025/TT-BTC về việc bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

  • Xử lý tài sản công sau tinh gọn bộ máy thế nào?

    Xử lý tài sản công sau tinh gọn bộ máy thế nào?

    Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản số 195 ngày 23/4 gửi các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy về rà soát, sắp xếp, bổ trí, xử lý trụ sở, tài sản công và rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dụng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Lam Thanh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.