Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông thường niên 2014, trong đó có tờ trình sáp nhập một tổ chức tín dụng khác.

Maritime Bank hiện là cổ đông lớn của MDB với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2012 là 10,16%.

Cụ thể, Hội đồng Quản trị Maritime Bank trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác và ủy quyền cho Hội đồng Quản trị thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết.

Tên của tổ chức tín dụng sáp nhập vào Maritime Bank hiện chưa công bố, song thị trường đã có những thông tin dự tính đó sẽ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Mê Kông (MDB).

Cho dù MDB cũng đã công bố tài liệu cho đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới mà không có tờ trình sáp nhập hay hợp nhất với ngân hàng khác, song có những cơ sở cho dự tính trên là khá thực tế.

Thứ nhất, Maritime Bank là cổ đông lớn của MDB với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2012 là 10,16%. Nếu sáp nhập, cặp đôi này sẽ góp phần giảm bớt sở hữu chéo trong hệ thống - một chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước đang đặt ra. Và nếu vậy, cùng với kế hoạch sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, ít nhất vấn đề sở hữu chéo đang có triển vọng xử lý một cách cụ thể.

Thứ hai, khoảng một năm trở lại đây, giới truyền thông hẳn cũng đã trù tính đến tình huống sáp nhập trên, khi phía Maritime Bank đứng ra triển khai “giúp” một số kế hoạch truyền thông của MDB.

Thứ ba, MDB hiện là một ngân hàng nhỏ, có thể là nhỏ nhất trong hệ thống xét về quy mô tổng tài sản (do một số so sánh khác trong nhóm hiện vẫn giấu nhẹm thông tin tình hình tài chính 2013), nên sáp nhập hoặc hợp nhất nếu có cũng là nhu cầu dễ hiểu để tồn tại và phát triển hơn.

Cũng lưu ý rằng, trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho thanh tra MDB cũng như yêu cầu khắc phục nhiều điểm. Tính đến thời điểm tháng 2/2014, ngân hàng này đã thực hiện được 51/59 kiến nghị thanh tra, 8 kiến nghị còn lại dự kiến hoàn thành trong quý 2/2014 (nội dung các kiến nghị hiện không mở rộng trong công chúng).

Theo báo cáo của Hội đồng Quản trị, dù nhỏ những tình hình tài chính của MDB không hẳn là quá xấu. Ngân hàng này có tỷ lệ nợ xấu chấp nhận được trong xu hướng gia tăng trong ngành, ở mức 2,65% tính đến cuối năm 2013. Đây cũng là thành viên không bị lỗ trong năm qua, lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng.

Nhưng trong năm 2013, tổng tài sản của MDB đã giảm khá mạnh, từ 8.597 tỷ đồng cuối 2012 xuống chỉ còn 6.437 tỷ đồng - một quy mô rất nhỏ trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Quy mô nhân sự cũng giảm rất mạnh trong năm qua, từ 1.804 người cuối 2012 giảm xuống còn 1.082 người.

Nhìn sang Maritime Bank, quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản là khá lớn trong hệ thống, tương ứng 8.000 tỷ đồng và 107.115 tỷ đồng. Nếu sáp nhập MDB, phép cộng đơn thuần sẽ giúp ngân hàng này tiếp cận nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, về quy mô nhưng chưa hẳn tương đồng về hiệu quả hoạt động.

Gần với MDB, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tài chính của Maritime Bank cũng ở mức chấp nhận được trước xu hướng chung của ngành, với 2,71% tính đến cuối 2013. Quy mô vốn và tổng tài sản khá lớn, nhưng lợi nhuận trước thuế năm qua của ngân hàng này rất khiêm tốn, chỉ đạt 401 tỷ đồng.

Có một điểm được lưu ý: năm 2013, Hội đồng Quản trị Maritime Bank cho biết đã thực hiện rà soát một cách cẩn trọng các khoản nợ, thực hiện chuyển nhóm nợ, thoái lãi dự thu và dừng thu lãi một số khách hàng cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản và vận tải biển có tiềm ẩn rủi ro. Đây là việc “thực hiện nghiêm túc” chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước và “thực hiện có hiệu quả” Thông tư 02…

“Việc rà soát này nằm ngoài kế hoạch đặt ra cho năm 2013 nên Hội đồng Quản trị đã thống nhất giảm kế hoạch lợi nhuận trước trích lập dự phòng và lợi nhuận trước thuế đã giao cho năm 2013 tương ứng với số tiền đã ghi nhận vào chi phí trong đợt rà soát này (450 tỷ đồng)”, báo cáo của Maritime Bank giải thích.

Vậy, nếu không có chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 02, hẳn “chất lượng” lợi nhuận của Maritime Bank đã khác, do việc rà soát trên nằm ngoài kế hoạch (?).

Như vậy, với mức độ thông tin đến thời điểm này, dự kiến hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm những cuộc sáp nhập. Kế hoạch của cặp đôi Southern Bank - Sacombank đã rõ, cặp đôi MDB - Maritime Bank là một khả năng.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mới đây cho biết, sắp tới sẽ xử lý từ 6 - 7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập. Những cái tên rồi cũng sẽ lần lượt xuất hiện.

Một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước nói rằng, khi Thống đốc đưa ra định hướng đó là đã có các cơ sở chắc chắn. Điểm quan trọng hơn, quá trình sáp nhập, hợp nhất hay tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam cho đến nay cơ bản được thực hiện một cách có trật tự và không gây xáo trộn tiêu cực trong hệ thống, cũng như không gây phản ứng bất lợi trên thị trường.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.