22/04/2014 2:36 PM
Làn sóng sáp nhập thứ hai để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu nóng. Dù điều này được xem như một tất yếu khi vẫn còn có quá nhiều ngân hàng yếu kém và quy mô nhỏ nhưng việc biến mất cái tên của một số ngân hàng vẫn khiến người ta e ngại.

Sáp nhập tất yếu hay chạy nợ xấu?. Ảnh: ST

Lại nóng sáp nhập

Cuối tuần qua, cổ đông của các ngân hàng lần lượt đón nhận thông tin sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Chưa bao giờ việc mua bán sáp nhập ngân hàng được bàn tán rộn rã như thời gian gần đây. Thông tin cũng không còn “úp mở” như nhưng thương vụ trước đó.

Ông Đào Trọng Khanh - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank -MSB) tại đại hội thường niên đã chính thức đề cập đến việc sáp nhập với Ngân hàng Mekong (MDB). Theo ông Khanh, thương vụ sáp nhập với MDB tạm thời đã xong giai đoạn 1 tức là tìm hiểu, lên kế hoạch và đang thực hiện các bước còn lại là xin phê duyệt về nguyên tắc.

Thương vụ sáp nhập giữa Ngân hàng Phương Nam và Sacombank coi như đã xong và chỉ còn chờ công bố phương án cụ thể. Gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã rục rịch công khai vấn đề này như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) dự kiến phương án tái cơ cấu hoạt động ngân hàng trong đó có việc tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập mà Vietinbank là đơn vị được nhắc đến trước đó.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) thì đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT nghiên cứu, đàm phán và đề xuất phương án sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) dự kiến sáp nhập với một công ty tài chính để phát triển ngân hàng bán lẻ. Một thương vụ khác cũng được bàn tán là giữa Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Nam Á dù hai bên vẫn chưa xác định chính thức. Ngay cả ngân hàng có vốn nhà nước và lớn như Vietcombank cũng hé mở chuyện tìm kiếm đơn vị khác để thực hiện sáp nhập.

Theo một chuyên gia ngân hàng, có nhiều lý do để các ngân hàng sáp nhập với nhau. Những thương vụ trước đây có thể gọi là làn sóng sáp nhập thứ nhất thường là do ngân hàng bị sáp nhập quá khó khăn không thể tự tái cấu trúc được buộc phải sáp nhập vào ngân hàng khác hoặc bán lại cho chủ mới. Còn trong làn sóng thứ hai này nhiều đơn vị thuyết phục cổ đông của mình rằng sáp nhập là cách giúp nâng quy mô ngân hàng sau sáp nhập. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn nhiều lý do khác. Có trường hợp các ngân hàng cùng chủ sở hữu muốn về một nhà, có trường hợp muốn giảm tỷ trọng sở hữu doanh nghiệp nhà nước…Tuy nhiên, cũng có lý do nhạy cảm mà ít người muốn nói tới là “chạy nợ xấu”.

Cổ đông lo nợ xấu tăng?

Tại đại hội đồng cổ đông của MaritimeBank, cổ đông tỏ ra băn khoăn về con số nợ xấu của ngân hàng và cho rằng liệu sau khi sáp nhập với MDB thì tỷ lệ nợ xấu có tăng lên hay không, bởi theo cổ đông thì MDB hoạt động không hiệu quả trong thời gian qua.Trước đó, các cổ đông của ngân hàng Sacombank cũng lo lắng về tình hình nợ xấu của nhà băng này sau khi sáp nhập với ngân hàng Phương Nam vì thực tế hai ngân hàng này khá chênh nhau về hiệu quả hoạt động.

Nhìn vào tình hình tài chính của những ngân hàng có tên trong danh sách có thể sáp nhập trong thời gian tới như Nam Á, Việt Á, Phương Nam, PG Bank, MDB cho thấy con số lợi nhuận hết sức khiêm tốn.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, thời hoàng kim của các ngân hàng đã qua thì những ngân hàng được xem là quy mô nhỏ, yếu kém này rất khó có cơ hội phát triển. Thực tế, ngay cả đến các ngân hàng cổ phần lớn như Eximbank, ACB… cũng có kết quả kinh doanh rất kém trong năm qua. Không chỉ có khó khăn trong kinh doanh mà nợ xấu của những ngân hàng này cũng là một ẩn số.

Theo một chuyên gia ngân hàng thì những ngân hàng mà NHNN coi là yếu kém phải sáp nhập thường có nợ xấu rất cao và nếu tính đầy đủ nợ xấu thì có thể phải thua lỗ lớn, thậm chí mất vốn. Trong số đó có nhiều ngân hàng đang bị NHNN xếp vào dạng kiểm soát đặc biệt.

Rõ ràng, lựa chọn việc sáp nhập được xem là con đường tốt nhất hiện nay để giải quyết những khó khăn của nhiều ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của NHNN trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và cũng là con đường tất yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệu quả của việc sáp nhập này đến đâu, rất cần thời gian thẩm định.

Trần Anh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.