Vụ hợp nhất ngân hàng đầu tiên đã có bước đầu êm thấm và trót lọt. Sẽ còn thêm nhiều vụ mua bán, sáp nhập mới và Việt Nam cũng nên quen dần với điều này.

Đừng hoảng mà rút tiền


Một trong những đơn vị không ra mặt nhưng rất quan tâm việc hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua là Bảo hiểm tiền gửi. Trao đổi việc này, đại diện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) ngày 7/12 đã cho biết, đúng là lần đầu tiên có một vụ hợp nhất ngân hàng. Tuy nhiên, điều này không có gì là bất ngờ với những người trong cuộc. Mọi việc đều được thực hiện theo lộ trình và được biết mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ càng. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về việc này.


Theo các chuyên gia từ (DIV) cho biết, là một đơn vị bảo hiểm, tại đây có những bộ phận và phương pháp để giám sát, cảnh báo về tình hình hoạt động của các ngân hàng. Các ngân hàng này tuy có thời điểm mất thanh khoản tạm thời và đã được hỗ trợ, về cơ bản các chỉ tiêu khác đều được đảm bảo.


Vì thế, với tất cả những con số có được, DIV cho biết, việc sáp nhập 3 ngân hàng thành một ngân hàng lớn với số vốn gần 11 ngàn tỷ, tổng tài sản 150 ngàn tương đương một ngân hàng trung bình là điều rất tốt.


Sáp nhập, hợp nhất: Khôn thì nên làm sớm

Không có hiện tượng đổ dồn rút tiền ở các ngân hàng hợp nhất.


Điều đặc biệt, với sự trợ giúp của nhà nước, thông qua đơn vị đại diện là BIDV thì sẽ tạo ra một đơn vị mới mạnh về năng lực tài chính và quản trị. Điều này là một thực tế, yếu tố nhà nước xuất hiện ở đây đã thể hiện cam kết của Chính phủ về hỗ trợ các ngân hàng và đây là một thế mạnh mà không dễ có được nếu đứng riêng lẻ.

Chính vì thế, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng giám đốc DIV cho rằng, người gửi tiền hoàn toàn có thể yên tâm với tiền gửi của mình tại các ngân hàng sáp nhập. Người gửi tiền không nên rút tiền về vì như vậy sẽ thiệt thòi do việc rút trước hạn và mất đi những quyền lợi khác.


Một so sánh đơn giản thì thấy, lãi suất có kỳ hạn hiện nay khoảng 14%, khách hàng gửi nhiều tiền còn được thêm các quyền lợi khác về dịch vụ và ưu đãi vay vốn. Nếu rút trước hạn, bạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn khoảng 4%. Nếu có 1 tỷ gửi ngân hàng, việc rút trước sẽ khiến khách hàng mất hàng chục đến hàng trăm triệu.


Thực tế, theo kinh nghiệm và các phương án kỹ thuật mà DIV đã từng xử lý hay dự phòng đều cho thấy, trong mọi trường hợp, việc hợp nhất thì quyền lợi của khách hàng đều được đảm bảo. Trong trường hợp này, điều đó là chắc chắn vì nó được đảm bảo vì đây chỉ là một sự hợp nhất, mọi tài sản từ ngân hàng cũ sẽ được chuyển sang ngân hàng mới. Quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo dưới sự kiểm soát, hướng dẫn và bảo lãnh của nhà nước.


Quen dần với hợp nhất, mua bán


Theo quan điểm cá nhân của ông Dũng, căn cứ từ chủ trương cải tổ ngân hàng theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng thì sau vụ đầu tiên nay sẽ có thể có thêm một vài vụ các ngân hàng tiến hàng hợp nhất hay sáp nhập tự nguyện nữa. Đó thực sự là một dấu hiệu tốt.


Thực ra, trên thế giới, mua bán, sáp nhập hay hợp nhất là một điều bình thường và nó cực kỳ hữu hiệu khi thực hiện tái cơ cấu, giúp DN vượt qua khó khăn và khủng hoảng để mạnh lên.


Tại Mỹ, từ năm 2008 đến nay đã xử lý khoảng 400 ngân hàng theo hình thức mua bán, sáp nhập. Tuy nhiên, quyền lợi của người gửi tiền không bị ảnh hưởng. Toàn bộ quyền lợi của người gửi tiền được chuyển sang ngân hàng mới. Bảo hiểm tiền gửi Mỹ có vai trò trong việc mua bán sáp nhập và góp phần giữ niềm tin, ổn định thị trường.


Thậm chí, trước đó, Ngân hàng Hamilton xảy ra khủng hoảng do cho vay quốc tế thiếu thận trong và quản lý yếu kém, dẫn đến đổ vỡ vào năm 2003 nhưng người ta chỉ mất có 90 ngày để xử lý và tỷ lệ tài sản thu hồi là 98%, tất cả người gửi tiền đều được bảo hiểm.


Ở Hàn Quốc, từ 6 ngân hàng nhỏ, yếu kém, Chính phủ đã chủ động tái cơ cấu bằng cách bơm thêm 12,8 tỷ USD vào làm lành mạnh hóa tài chính, tiến hành hợp nhất thành Tập đoàn tài chính Woori, sau đó cổ phần hóa rút vốn nhà nước về. Từ 5 ngân hàng sắp phá sản đã trở thành định chế tài chính hàng đầu Hàn Quốc với 93 tỷ USD.


Thậm chí, sau khi tái cơ cấu thành công, ngân hàng, Hàn Quốc đã tái tư nhân hóa ngân hàng mới bán ra thị trường thu được tiền về và có thêm khoản lãi 200 triệu USD. Số tiền này không phải là điều quan trọng nhưng ý nghĩa của nó là tái cơ cấu ngân hàng đã khôi phục và tăng thêm giá trị cho các ngân hàng.


Theo ông Dũng, những bước đi của Việt Nam hiện nay đều đã được chuẩn bị và có thể nhìn thấy những nét tương đồng về biện pháp kỹ thuật như thế giới đã làm.


Hơn thế, sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước chính là sự đảm bảo cả về nguồn lực tài chính, con người, giải pháp cũng như một sự cam kết ổn định cho các ngân hàng. Đây là điều mà 3 ngân hàng này có lợi. Cho dù đến nay, một bản kế hoạch tái cơ cấu chưa công bố nhưng chắc rằng việc tái cơ cấu đã được vạch ra rõ và chuẩn bị mọi phương án đối phó. Vì thế, việc sáp nhập, hợp nhất nếu làm được sớm sẽ tốt để tận dụng cơ hội từ những sự hỗ trợ của nhà nước và nhất là sự đồng thuận của cả xã hội.

Theo Phước Hà (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh