Mới đây,Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung phối hợp với các đơn vị liên đóng điện dự án đường dây 220kV Chơn Thành - Bến Cát. Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B do EVNNPT làm chủ đầu tư, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.
Được biết, đường dây 220kV Chơn Thành - Bến Cát được xây dựng trên địa bàn huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước và huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Dự án có quy mô xây dựng đường dây 220kV mạch kép Chơn Thành - Bến Cát chiều dài 28,2km được thực hiện đầu tư xây dựng trong 2 dự án, gồm 2 đoạn đường dây.
Đóng điện đường dây 220kV Chơn Thành - Bến Cát, tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Bình Dương
Đường dây 220kV Chơn Thành - Bến Cát sau khi hoàn thành đảm bảo giải tỏa công suất trạm biến áp 500kV Chơn Thành, cung cấp điện cho tỉnh Bình Dương và khu vực; đảm bảo liên kết hệ thống điện khu vực, giúp hệ thống vận hành ổn định, tin cậy và giảm thiểu tổn thất hệ thống; phù hợp với Quy hoạch điện đã được phê duyệt.
Trước đó, cuối năm 2023, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành chuyển đấu nối, đóng điện giai đoạn 1 đường dây 110kV Bến Cát - Lai Hưng (đoạn tuyến chung cột) thuộc dự án đường dây 220kV Chơn Thành - Bến Cát.
Việc hoàn thành đóng điện đường dây 110kV Bến Cát - Lai Hưng đã kịp thời nâng khả năng đảm bảo an toàn cung cấp điện cho Khu công nghiệp Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương theo đề nghị của UBND huyện Bàu Bàng và Sở Công Thương tỉnh Bình Dương.
Trước đó, tháng 4/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã có buổi làm việc với đoàn công tác Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình cung ứng điện và phát triển lưới điện tại địa bàn tỉnh.
Hiện Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về tiêu thụ điện, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. EVN cho biết, với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh của Bình Dương, dự báo nhu cầu sản lượng điện sẽ càng tăng cao trong thời gian tới.
Để đảm bảo nguồn điện cho tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, EVN mong muốn sự hỗ trợ của tỉnh này trong công tác đảm bảo cung ứng về điện và thực hiện các giải pháp về tiết kiệm điện có hiệu quả trên địa bàn. Đồng thời, EVN kiến nghị Bình Dương hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai các công trình lưới điện.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, hiện quy mô tăng trưởng kinh tế của Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, trong đó cơ cấu công nghiệp chiếm tỷ trọng cao; cùng với đó là sự gia tăng dân số nhanh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết sẽ dành 20.000 ha đất phát triển đô thị và 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Ngoài đầu tư mới, tỉnh sẽ mở rộng các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu để thu hút các ngành nghề giá trị cao, công nghệ mới.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị EVN, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam và Công ty Điện lực Bình Dương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác quy hoạch, phát triển hệ thống điện.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ di dời công trình, lưới điện tại các công trình, dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn để bảo đảm tiến độ của dự án…
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các ngành liên quan của tỉnh phối hợp khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nguồn, lưới điện để đáp ứng nhu cầu điện trên địa bàn.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động các khu công nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, đơn vị này cho biết giai đoạn 2023-2030, Bình Dương sẽ phát triển thêm 10 khu công nghiệp mới. Trong đó, 2 khu công nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên sẽ được lập mới trong 2 năm tới, với tổng diện tích 1.000 ha. Còn lại, 8 khu công nghiệp khác tại huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giao được triển khai đến cuối 2030. Tổng diện tích các khu công nghiệp này trên 6.000 ha. |
-
Nhu cầu điện tăng cao, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cung cấp điện 2025 ra sao?
Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2025 dự kiến đạt 347,5 tỷ kWh, cao hơn 12,5% so với năm 2024.
-
ĐỀ XUẤT MỚI: Giá điện bán lẻ còn 5 bậc, cao nhất 3.786 đồng/kWh
Biểu giá bán lẻ điện dự kiến rút ngắn từ 6 xuống còn 5 bậc, giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) là 3.786 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT.
-
Bộ Công Thương thông tin về việc điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần
Theo Bộ Công Thương, việc đề xuất rút ngắn hơn thời gian điều chỉnh giá điện để đảm bảo tính thị trường và cần đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm có phương án phù hợp nhất.