Công ty CP Thép Nam Kim được thành lập năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Đến năm 2011, doanh nghiệp này được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là NKG.
Hiện tại, hãng thép có trụ sở tại Bình Dương này đang có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, thép ống, thép cuộn và mua bán sắt thép các loại.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Thép Nam Kim với khối lượng dự kiến 131,6 triệu cổ phiếu và triển khai trong vòng 90 ngày kể từ ngày 2/12/2024.
Nhà máy Thép Nam Kim
Trước đó, doanh nghiệp này đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá phát hành 12.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch 5/12, NKG giao dịch tại mức giá 19.300 đồng/cp, cao hơn 37% so với giá chào bán cho cổ đông. Số cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng.
Với số lượng phát hành thêm và giá chào bán như trên, Nam Kim dự kiến huy động được gần 1.580 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền huy động được dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thời gian giải ngân dự án đầu tư từ quý 4/2024 đến quý 1/2025.
Dự án trên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 6/2/2024. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại, sản xuất các loại tôn thép như tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn; sản xuất sắt, thép, gang.
Dự án nằm ở đường số 1, Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4.500 tỷ đồng, cơ cấu vốn góp của nhà đầu tư 30% (1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (3.150 tỷ đồng).
Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Nhà máy mới này được kỳ vọng sẽ giúp Nam Kim nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu và ổn định biên lợi nhuận nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp tại Việt Nam.
Sản phẩm chính của nhà máy thép Phú Mỹ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).
Theo dự kiến, nhà máy Nam Kim Phú Mỹ đi vào sản xuất thương mại từ quý 1/2026 và đạt 100% công suất từ năm 2027.
Tính đến thời điểm 30/9, Nam Kim đã góp vốn 500 tỷ đồng vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để thực hiện dự án.
Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của Nam Kim vào công ty con. Ngoài ra, doanh nghiệp còn rót 79 tỷ đồng vào Công ty TNHH Một thành viên Ống thép Nam Kim; 37,5 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Ống thép Nam Kim Chu Lai; 138,4 tỷ đồng vào Công ty TNHH MAE MYUNG Paper Việt Nam.
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.
-
Triển vọng ngành thép 2025 ra sao khi thị trường bất động sản, xây dựng hồi phục?
Thị trường thép năm 2025 được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ thị trường bất động sản hồi phục, hoạt động xây dựng cải thiện; kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay với nhiều dự án trọng điểm tới hạn hoàn thành trong năm....