11/04/2012 6:49 AM
Việc dùng vàng để thanh toán sẽ không còn sau ngày 25/5 khi Nghị định 24 có hiệu lực. Hiện nay, tuy vai trò thanh toán của vàng đã giảm hẳn nhưng việc mua bán nhà đất tính bằng lượng vàng vẫn còn.

Trên một website mua bán, chiều 9/4 xuất hiện mẩu tin rao bán một căn nhà tại quận 10, TP HCM, với giá 100 cây vàng SJC. Trao đổi với VnExpress.net, ông chủ tên Mùi cho biết, từ trước tới nay mua bán nhà bằng vàng vẫn là một trong những hoạt động thường diễn ra trong lĩnh vực bất động sản. Lý do đơn giản để ông chọn cách thanh toán này vì vừa có thể bảo toàn giá trị căn nhà, vừa đơn giản trong tính toán.

"Chẳng hạn, khi nhận 100 cây vàng sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc kiểm đếm số tiền hơn 4 tỷ đồng", ông chủ bộc bạch.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, không cứng nhắc đòi hỏi khách nhất thiết phải thanh toán bằng vàng miếng SJC mà có thể quy đổi thành tiền đồng với mức giá hiện thời.

Sắp hết thời mua bán nhà đất bằng vàng
Nhiều người dân TP HCM hiện nay vẫn hay dùng vàng để hoá giá nhà khi mua bán. Ảnh: LC

Trên kênh mua bán bất động sản online, người chủ tên Hoa cũng đang rao bán 10.000 m2 đất tại Châu Thành, Bến Tre, với giá 10 cây vàng. Hay như trường hợp của một người tên Long, mới đây đã rao bán khu vườn cao su ở Gia Lai với giá 50 cây vàng. Ông chủ cho biết có đầy đủ giấy tờ liên quan, mọi chi phí mua bán, sang tên sẽ do bên bán chịu trách nhiệm. Tất cả giá cho khu vườn là 50 cây vàng (tính theo giá hiện thời).

Một chuyên gia kinh tế là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, thói quen mua bán nhà đất bằng vàng của người dân, nhất là ở TP HCM xuất hiện mạnh từ năm 1992, khi UBND thành phố có chủ trương hóa giá nhà tính bằng vàng SJC. Thời gian gần đây, giá vàng luôn biến động mạnh khiến giao dịch nhà, đất bằng vàng giảm mạnh.

Người bán nhà thường thích chọn hình thức giao dịch bằng vàng để bảo toàn giá trị căn nhà, nhất là khi giá vàng liên tục tăng. Nhưng người mua lại muốn thanh toán tiền mặt, vì nếu thanh toán bằng vàng trễ ngày nào là thiệt ngày đó. "Chính sự giằng co này đã khiến số lượng giao dịch nhà đất bằng vàng trong thời gian gần đây phần nào suy giảm, tuy vẫn chưa chấm dứt hẳn", ông nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, trước đây xu thế tâm lý của người Việt Nam thường coi vàng là giá chuẩn làm cơ sở cho các hoạt động kinh doanh. Những thói quen này đưa đến hệ luỵ là, việc hoán đổi bằng vàng khiến người dân đi mua vàng về thanh toán làm cầu vàng tăng lên, gây áp lực tỷ giá (dùng USD nhập vàng). Không chỉ thế, giá vàng biến động mạnh sẽ kéo theo các hoạt động kinh doanh, giao dịch, cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng và tạo ra bất ổn cho nền kinh tế.

Sự biến động giá vàng mạnh trong thời gian qua cho thấy ngoài vai trò phương tiện thanh toán, nó còn có vai trò như phương tiện trú ẩn an toàn cao với các nhà đầu tư và người dân. Điều này đi ngược lại sự mong muốn của Nhà nước là giảm thiểu hiện tượng USD hóa, vàng hóa nền kinh tế.

Do đó, để bảo vệ đồng tiền Việt ổn định, Nghị đinh 24 đã loại bỏ phương tiện thanh toán bằng vàng. Nếu nền kinh tế mà người dân không sử dụng đồng tiền nước đó thì chính sách tiền tệ quốc gia coi như bị vô hiệu hóa. "Bước đầu, có thể người dân chưa quen và lén lút dùng vàng thanh toán. Nhưng sau đó, họ sẽ quen dần và chấp hành tốt", ông nhận định.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, khi Nghị định 24 có hiệu lực, cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra quyết liệt việc người dân dùng vàng làm phương tiện thanh toán. "Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 95", lãnh đạo này nói.

Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng như sau:

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Cho vay, cho thuê tài chính hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng quy định; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ với người nước ngoài; mua, bán, thanh toán ngoại tệ, vàng không đúng quy định...

- Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ; thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép; xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép; niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam (VND) hoặc vàng; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ hoặc giấy phép hoạt động kinh doanh vàng.


Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.