Nhóm đề tài đã hoàn thành được mục tiêu đặt ra và các nội dung nghiên cứu trong đó thành công nhất là đã nâng cao modul silic của thủy tinh lỏng kali từ 2,7 đến 5,0 với hàm lượng khô của dung dịch sau biến tính đạt 25 % trên cơ sở các nguồn nguyên liệu sẵn có trên thị trường hiện nay. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu và ứng dụng tiếp theo của thủy tinh lỏng với modul silic cao.
Sản phẩm nghiên cứu cũng đã ứng dụng thử tại 3 cơ sở đó là Công ty CP Lilama 18 (Tổng công ty lắp máy Việt Nam), Công ty CP xây lắp dầu khí miền Nam và Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (chi nhánh tại Vũng Tàu) để đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Các đơn vị ứng dụng thử đã đánh giá cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu và đề xuất phương án hợp tác với doanh nghiệp để hoàn thiện công nghệ sản xuất và ứng dụng sản phẩm vào thực tế.
Những năm gần đây, Việt Nam đã sử dụng trung bình khoảng 200.000 tấn sơn các loại, trong đó có khoảng 1/3 dùng để bảo vệ cho các kết cấu thép và kim loại với chủ yếu là các loại sơn chống ăn mòn. Hầu hết các loại sơn chống ăn mòn nhập khẩu và sản xuất trong nước đều trên cơ sở của những chất tạo màng hữu cơ như alkyd, epoxy, cao su clo hoá hay polyurethan, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng các hệ sơn này đều khó phát huy hiệu quả khi sử dụng và làm việc ở nhiệt độ cao, ngoài ra lượng dung môi của sơn còn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng.