Dùng chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, bùn nạo vét kênh, đất còn lẫn rác sinh hoạt để san lấp mặt bằng… là thực trạng diễn ra tại một số địa phương ở TP HCM. Thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm, khiến môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên đất không ngừng bị hủy hoại.
Cam kết một đằng, làm một nẻo
Mới đây, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP HCM (PC05) cùng các cơ quan chức năng của huyện Bình Chánh đã khai quật và phát hiện nhiều chất thải nguy hại được chôn lén tại khu đất có diện tích khoảng 14.500 m2, thuộc ấp 6A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
Khu đất trên do ông Tr.C.Th (ngụ xã Vĩnh Lộc A) làm chủ. Ông Th. đăng ký san lấp bằng đất đen, dựng hàng rào để trồng cây làm vườn và có cam kết phương án san lấp với UBND xã. Việc san lấp được ông Th. ủy quyền cho bà Ng. T. K.Ng (ngụ quận Tân Bình) thực hiện.
Thế nhưng, từ thông tin "một công ty chuyên thu gom, xử lý, tái chế chất thải tại Bình Dương mang bùn thải nguy hại về chôn lén tại TP HCM", các cơ quan chức năng đã phát hiện ở khu đất xảy ra tình trạng san lấp… liều! Bằng chứng là khi khai quật và lấy mẫu kiểm tra thì bước đầu ghi nhận có hóa chất trong mẫu chất thải. Vụ việc được PC05 tiếp tục điều tra làm rõ.
Vụ san lấp mặt bằng bằng chất thải nguy hại tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: Thu Hồng
Trước đó, vào tháng 4-2019, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Theo đó, ông Vũ Anh Vũ (ngụ tỉnh Long An) bị khởi tố về tội "Gây ô nhiễm môi trường" vì có hành vi tổ chức thực hiện một khối lượng rất lớn (khoảng 3.900 tấn) chất thải rắn thông thường để chôn, lấp trái pháp luật. Cụ thể, ông Vũ nhận san lấp mặt bằng cho vợ chồng ông Tr.H.Th cho khu đất có diện tích hơn 6.000 m2 tại ấp 2, xã Phong Phú. Trong phương án san lấp, loại đất san lấp mà chủ đất cam kết với UBND xã là loại đất đen. Tuy nhiên, ông Vũ đã lấy rác từ bãi tập kết phương tiện của Công ty TNHH Kỹ thuật Môi trường Bắc Nam để san lấp. Lượng rác thải được chôn lấp tại đây diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10-2018.
Một vụ việc nghiêm trọng khác cũng xảy ra cách đây 4 tháng. Ngày 11-11-2019, người dân sống trên đường Thạnh Xuân 14 (phường Thạnh Xuân, quận 12) bất ngờ phát hiện nhiều xe tải chở chất thải đến đổ vào một hố lớn tại một bãi đất trống bên cạnh rạch nước dẫn ra sông Vàm Thuật.
Khu vực chôn lấp có nhiều túi ni-lông cùng dung dịch màu trắng đục bốc mùi hôi nồng nặc như thuốc trừ sâu. Qua xác minh ban đầu, ông Lê Quang Trí (phường Hiệp Thành, quận 12) thuê lại khu đất này để san lấp làm bãi đậu xe. Tuy nhiên, ông Trí đã tiếp nhận chôn lấp chất thải công nghiệp trong khu đất gây ô nhiễm môi trường. Vụ việc đang được Công an quận 12 thụ lý.
Hoàn toàn có thể thu hồi đất
Theo không ít chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ở các vụ san lấp vi phạm, không đơn giản như nhiều người nghĩ chỉ cần khắc phục, thu hồi lượng chất thải đã san lấp thì mọi việc đã ổn, bởi hành vi đó để lại hậu quả rất lâu dài, đó là hủy hoại đất. Vì vậy, ngoài xử phạt hành chính, xử lý hình sự thì đề nghị các cơ quan chức năng cũng cần thu hồi đất của chủ thể vi phạm. Có như vậy chủ đất mới không dám làm bừa hay nhờ các đơn vị san lấp ẩu thực hiện.
Đề xuất của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường hoàn toàn có cơ sở, bởi theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 64 Luật Đất đai năm 2013 thì "người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất" sẽ bị nhà nước thu hồi đất.
Theo đó, "hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định". Mới đây, khoản 3, điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định: "Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người". "Như vậy, trong trường hợp chủ sử dụng đất có hành vi sử dụng rác thải nguy hại để san lấp mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường đất thì sẽ bị nhà nước xem xét thu hồi theo đúng quy định pháp luật" - luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.
Ở một diễn biến mới nhất, liên quan đến vụ dùng chất thải nguy hại để san lấp mặt bằng vừa xảy ra tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM), ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã, cho biết đã mời tất cả hộ dân san lấp làm cam kết bảo đảm phải san lấp đúng loại đất cam kết. Nếu làm sai, hủy hoại tài nguyên đất, xã sẽ kiến nghị thu hồi đất.
Một vụ san lấp mặt bằng có phế liệu Theo phản ánh của bạn đọc Báo Người Lao Động, đầu tháng 1-2020, người dân phát hiện nhiều xe tải chở đất có lẫn rác thải để san lấp khu đất có diện tích hơn 7.000 m2 đối diện chung cư Bình Khánh (phường An Phú, quận 2, TP HCM). Tại khu vực san lấp, nhiều người đến nhặt phế liệu để bán. Sau lớp rác này, khu đất tiếp tục được san lấp thêm nhiều lớp đất, xà bần, cát... Vì vậy, người dân lo ngại việc san lấp không đúng loại đất như quy định sẽ ảnh hưởng chất lượng đất, gây hại môi trường và ảnh hưởng sức khỏe nên đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ |