Nhiều địa phương vẫn giao đất làm mặt bằng sản xuất cho các cơ sở kinh doanh phi nông nghiệp đơn lẻ trong khi đất tại các khu công nghiệp vẫn dư thừa. Các khu kinh tế chiếm nhiều đất nhưng lại không thu hút được đầu tư, các sân gôn, resort mọc lên nhiều như một “chiêu” giữ đất để sử dụng dần của nhà đầu tư…
Nhìn dưới góc độ sử dụng đất, chỉ có 13 chủ đầu tư sân gôn sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ và quy hoạch. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Những bức xúc trong việc sử dụng đất nêu trên đã được GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại hội thảo Lấy ý kiền về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức

tại Hà Nội ngày 27.9.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, tính đến cuối tháng 12.2010 cả nước đã có 261 khu công nghiệp, chiếm 71.394 ha đất trong đó có 45.854 ha có thể sử dụng làm mặt bằng sản xuất, đã đưa 21.095 ha vào sử dụng với tỷ lệ lấp đầy là 46%. Ngoài các khu công nghiệp, còn rất nhiều các cụm công nghiệp do UBND tỉnh quyết định thành lập với tỷ lệ lấp đầy là 25% trên 918 cụm của cả nước. Ngoài việc tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp không cao cần đáng xem xét thì thực tế, nhiều địa phương giao đất làm mặt bằng sản xuất cho các cơ sở kinh doanh đơn lẻ cũng khiến các khu công nghiệp thừa diện tích, cần điều chỉnh ngay. Ví dụ chỉ tiêu chỉ cho 44.000 ha nhưng địa phương giao vượt 93.000 ha (vượt 211%).

Với đất làm sân gôn, hiện nay chỉ có 24 sân gôn hoạt động trên 90 sân gôn được cấp phép, còn lại là đang xây dựng, đang được cấp phép đầu tư, 23 sân được cấp chứng nhận đầu tư và 5 sân không khả thi được đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch. Nhìn dưới góc độ sử dụng đất, chỉ có 13 chủ đầu tư sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ và quy hoạch, 46 chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chậm tiến độ, sai quy hoạch và 9 chủ đầu tư chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chưa kể, bộ Kế hoạch đầu tư còn phát hiện 27 sân gôn nằm ngoài danh mục quy hoạch đã được phê duyệt. Cần xem xét việc các nhà đầu tư giữ đất các sân gôn, resort để lợi dụng sử dụng dần, ông Hùng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 nên xem xét việc đưa rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên thành hai khái niệm đồng nhất. Bởi có sự khác nhau ở đây, nhiều khu đất ngập nước được công nhận là khu bảo tồn trong đó có hồ Ba Bể. Khái niệm đất phát triển hạ tầng có tầm quan trọng quốc gia cũng cần phải làm rõ, tránh chung chung. Ngoài ra, Quốc hội có thể cân nhắc yêu cầu dự tính thêm một số chỉ tiêu các loại đất khác cần xem xét nhưng không được quy định trong nghị định số 69 như đất xây dựng sân gôn, các khu nghỉ dưỡng, giải trí, đất xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, bởi đây là những hạng mục đất đang gây bức xúc trong thực tế triển khai.

Việt Nam đủ gạo để nuôi dân trong tương lai

Trả lời câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm là liệu Việt Nam có đủ gạo để nuôi toàn bộ dân số đang tăng trưởng của mình trong tương lai không? Ông Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết câu trả lời là “có” bất kể tính toán theo bất kỳ một kịch bản hợp lý nào, kể cả những kịch bản bi quan nhất khi đất lúa bị giảm xuống chỉ còn 3 triệu ha.

"An ninh lương thực không đơn thuần là vấn đề có đủ lương thực. Những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người mẹ, mất cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn, thiếu nguồn cung nước sạch, hoặc bệnh tật và giun sán là các yếu tố có tác động đến vấn đề suy dinh dưỡng nhiều hơn là vấn đề thiếu lương thực. Việt Nam nên giải quyết tốt hơn khả năng tiếp cận lương thực gắn liền biến động giá thực phẩm hoặc thay đổi đột ngột về thu nhập", ông Sơn nói.

Theo Thiên Lam (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.