03/11/2018 7:08 PM
Dự án mở đường ngang nối từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL1A và đường cứu hộ cứu nạn ven biển, đoạn qua thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đang chậm tiến độ gần một năm nay, bởi chính quyền huyện Thăng Bình liên tục đưa ra các con số khác nhau trong việc cắm mốc ranh giới; đo đạc, tính toán diện tích đền bù của một hộ dân.

Mốc ranh giới (khoanh tròn) sâu gần 4m kể từ tường rào nhà bên cạnh.

Đo bốn lần, bốn mốc, bốn số liệu

Với lý do người dân không hợp tác trong đền bù, giải tỏa, ngày 26-10, chính quyền huyện Thăng Bình (Quảng Nam) tiến hành kiểm đếm bắt buộc phần diện tích đất giải tỏa của gia đình bà Bùi Thị Nuôi, tổ 14 thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Theo biên bản kiểm đếm bắt buộc, tổng diện tích lô đất của bà Bùi Thị Nuôi là 1624,9 m2, diện tích thu hồi để làm đường là 1.001 m2. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong quá trình làm việc tại gia đình bà Bùi Thị Nuôi, cơ quan chức năng với 13 cán bộ, nhân viên, nhưng tổ công tác của huyện chỉ làm việc với gia đình, thông báo Quyết định kiểm đếm bắt buộc của UBND huyện Thăng Bình, sau đó ra thực địa thông báo cho gia đình bà Nuôi mốc giới đã cắm để xác định thửa đất.

Trong đó, dãy mốc phía bắc giáp với đường bê-tông nông thôn, qua quan sát bằng mắt thường, cũng thấy rõ một số mốc cắm sâu trong vườn bà Nuôi hơn hai mét, chiều dài khoảng 40 m. Về phía đại diện hộ gia đình bà Nuôi không đồng tình vị trí cắm mốc, vì cho rằng vị trí mốc không đúng, lấn sâu vào vườn nhà và đề nghị tổ công tác xác định mốc theo vị trí giáp với đường bê-tông, không cắm vào trong vườn cây của gia đình. Sau đó, tổ công tác của UBND huyện Thăng Bình lập biên bản kiểm đếm mà không hề đo đạc, dù là đo bằng thử công hay máy móc để tính toán diện tích thực tế.

Đường nối từ cao tốc về cũng đã hoàn thành.

Huỳnh Hữu Bửu, con trai bà Bùi Thị Nuôi, là người đại diện hộ gia đình cho biết, chuyện giải tỏa dùng dằng ở nhà ông gần hai năm qua, là do chính quyền huyện Thăng Bình cắm mốc, đo đạc sai diện tích đất. Theo hồ sơ trích lục bản đồ địa chính số 2259 ngày 23-5-2014 của UBND huyện Thăng Bình, diện tích thửa đất của bà Nuôi rộng 1.976 m2, diện tích thu hồi mở rộng QL 1A là 274,8 m2; trích lục bản đồ số 2547 ngày 24-8-2017, diện tích thửa đất còn lại trên thực tế là 1751,5 m2, diện tích thu hồi làm đường nối QL 1A với đường ven biển là 1030,3 m2, trong đó, có một phần diện tích đất thu hồi của năm 2014 nhưng chưa giải tỏa, thực tế gia đình bà Nuôi còn 670,9 m2, nhưng chính quyền thông báo diện tích đất của bà Nuôi chỉ còn 605,4 m2.

Trong khi ông Nguyễn Đình Chi, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình, Tổ trưởng Tổ công tác của huyện cũng đã ký vào trích lục thửa đất của bà Bùi Thị Nuôi tại biên bản ngày 10-11-2017, xác định rõ tổng diện tích thu hồi là 1030,3 m2, bao gồm 783,1 m2 vệt 25 m tính từ mép đường QL 1A và 247,3 m2 vệt từ 25 đến 50 m tính từ quốc lộ 1A, trích lục bản đồ này cũng đã thể hiện rõ 1030,3 m2 không nằm trong phạm vi 115,8m2 thuộc quốc lộ 1A đã giải tỏa trước đó.

Vậy nhưng, trong những văn bản sau đó do ông Nguyễn Đình Chi tham mưu cho UBND huyện Thăng Bình ký, lại tính gộp chung 115,8 m2 đã giải tỏa vào phần đất còn lại của bà Nuôi. Sự rắc rối và cố ý làm sai lệch số liệu đo vẽ khiến lãnh đạo huyện Thăng Bình không nắm được bản chất vụ việc, còn người dân không đồng tình với số liệu do cơ quan chức năng đưa ra, khiến sự việc càng thêm rắc rối và không thể đi đến thống nhất. Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, làm việc nhưng không đi đến kết quả, gia đình bà Nuôi không đồng ý với vị trí mốc ranh giới và kết quả đo đạc, ngày 10-8-2018, ông Nguyễn Đình Chi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện Thăng Bình cho tổ chức đo đạc một lần nữa, và kết quả là lô đất chỉ còn 1624,9 m2, phần đất còn lại của bà Nuôi chỉ còn 526,5 m2.

“Chúng tôi không hiểu vì sao một phép trừ đơn giản như vậy, huyện cũng tính thiếu 65,5 m2. Nếu gia đình đồng ý với thông báo, sẽ bị thiệt 65,5 m2 đất thực tế, áp giá đền bù 4,8 triệu đồng/m2, mất đi hơn 314 triệu đồng. Thậm chí căn cứ trích lục bản đồ địa chính cấp cho gia đình, sai số này đến 115,8 m2, tính ra mất 552 triệu đồng. Hơn thế, diện tích đo đạc mới nhất họ cắm mốc sâu vào vườn nhà tôi, nói là đất chung, chúng tôi mất trắng 146,4 m2 đất, trị giá gần 700 triệu đồng, sao chúng tôi chấp nhận được”, ông Bửu phân tích.

Theo văn bản của chính quyền huyện Thăng Bình (Quảng Nam), mảnh đất thuộc sở hữu của bà Nuôi có từ trước giải phóng, cần phải giải tỏa sớm để phục vụ dự án đường tránh QL 1A với đường cứu nạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án này yêu cầu cần khẩn trương hoàn thành để phục vụ cho tuyến đường cao tốc hoạt động, nhưng vì giải tỏa chậm, nên cao tốc đã khánh thành mà đường tránh cứu nạn vẫn “treo lơ lửng”. Lý do những người dân địa phương, trong đó có gia đình bà Nuôi không chịu di dời, là giá đền bù chưa thỏa đáng, và cụ thể với gia đình bà, là diện tích đất tính sai.

Như vậy, qua bốn lần thực hiện đo đạc, kiểm đếm, mỗi lần chính quyền huyện Thăng Bình cho ra kết quả khác nhau và đều sai lệch so hồ sơ đất đai của gia đình bà Nuôi, việc tính toán thiếu cụ thể, minh bạch và gây bức xúc trong lòng dân khiến người dân không thể chấp nhận để ký vào biên bản dời đi.

Ông Nguyễn Thiên Vũ, kỹ sư đo đạc Công ty CP đo đạc địa chính và công trình Hưng Bình, trụ sở tại Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, người trực tiếp tiến hành việc đo đạc diện tích đất bà Nuôi cho biết, việc sai lệch số liệu đo qua bốn lần thực hiện, chính vì xác định mốc ranh giới mỗi lần một khác.

Ông Nguyễn Thiên Vũ phân tích: “Chúng tôi chỉ đo theo mốc do cơ quan chức năng huyện Thăng Bình cắm sẵn, việc sai số trong đo đạc có nguyên nhân là mốc do cơ quan chức năng xác định mỗi lần khác nhau, cho ra kết quả khác nhau”. Căn cứ hồ sơ hợp pháp ban đầu đã được chính quyền công nhận, qua nhiều lần giải tỏa, đền bù, phần diện tích đất hiện còn lại mà chính quyền thông báo cho gia đình bà Nuôi không khớp.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Chi, Giám đốc Trung tâm phát triển quý đất huyện Thăng Bình đưa ra tờ Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 21-03-2002, trong đó xác định đất của hộ bà Nuôi chỉ 1715,3 m2. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề, vì sao quyết định có từ rất lâu, màn hàng chục năm qua không thông báo cho dân, không tiến hành cấp sổ đỏ để xác định số liệu rõ ràng, thì ông Nguyễn Đình Chi không thể trả lời với lý do việc đó có từ rất lâu, ông không rõ vì sao. Trong khi nhiều lần pv Báo Nhân Dân đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình với mong muốn làm rõ sự việc, nhưng lần nào cũng nhận câu trả lời: “Lãnh đạo bận họp, chưa sắp xếp được thời gian”.

Báo cáo thiếu trung thực để... lấp liếm sai phạm?

Nhìn nhận sự việc, ông Trương Văn Thân, con rể bà Nuôi, đại diện quyền lợi gia đình khẳng định, hai cơ quan tham mưu giúp việc cho lãnh đạo huyện Thăng Bình là Trung tâm phát triển quỹ đất và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thăng Bình, mà trực tiếp là ông Nguyễn Đình Chi và ông Cao Ngọc Sang đều có dấu hiệu “lấp liếm sai phạm”.

Ông Thân nhấn mạnh: “Họ nói gia đình tôi không hợp tác, mà thực tế mỗi khi họ đến làm việc, đo đạc, chúng tôi luôn sẵn sàng cùng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng nhất, nhưng sau mỗi lần đo lại ra kết quả khác nhau. Khi về báo cáo, họ lại bịa đặt với lãnh đạo huyện rằng chúng tôi không hợp tác, nhằm lấp liếm sai phạm, tìm cách ép chúng tôi để tiện việc tổ chức cưỡng chế trái pháp luật”.

Hiện, dự án đường tránh cứu nạn từ cao tốc đến QL 1A và đường ven biển bị chậm tiến độ cả năm trời. Nguyên nhân chính do việc làm thiếu công khai minh bạch, có dấu hiệu sai trái trong đo đạc, kiểm đếm, đền bù của các cơ quan tham mưu, khiến người dân nghi ngờ, mất lòng tin vào chính quyền. Về phía chính quyền, vì thiếu thông tin nên có những quyết định trái pháp luật. Dự án đường tránh cứu nạn cao tốc nói riêng và cả cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Thăng Bình nói chung liên quan hàng trăm hộ dân phải giải tỏa, đền bù.

Tuyến đường mở gần xong, nhưng chậm trễ hơn một năm chỉ vì đo sai một hộ dân.

Nếu mỗi gia đình bị đo thiếu, đo sai vài chục mét vuông, con số cộng lại không hề nhỏ. Và nguồn tiền ấy, chưa biết sẽ về túi ai. Đã đến lúc, chính quyền huyện Thăng Bình và tỉnh Quảng Nam cần lập đoàn công tác do lãnh đạo huyện, tỉnh trực tiếp phụ trách, tổ chức kiểm tra rà soát công khai hồ sơ, chứng từ, văn bản từ trước đến nay, chắc chắn sẽ phát hiện những sai phạm đang được cấp dưới che dấu, lấp liếm, đặc biệt là những dự án, phần việc có liên quan đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đang có những dấu hiệu sia phạm nghiêm trọng, hư hỏng quá nhanh do thi công ẩu, gian dối và tắc trách, hơn thế, có thể liên quan cả việc đo đạc, đền bù sai thực tế, khỏa lấp sai phạm.

Phan Nguyễn - Thanh Tùng (NDĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.