Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng thương mại nước ta phát triển rất mạnh. Điều này đã thu hút rất nhiều ông chủ các lĩnh vực khác đổ vốn mua cổ phần của ngân hàng, từ đó tạo chỗ đứng của mình trong lĩnh vực ngân hàng. Thế nhưng, việc đổ vốn vào ngân hàng, không đơn thuần chỉ nhằm thu lợi nhuận từ hoạt động ngân hàng, mà tìm cách thâu tóm ngân hàng, từ đó chuyển vốn dễ dàng từ ngân hàng cho các dự án sân sau. Câu chuyện này tiềm ẩn không ít rủi ro cho thị trường tài chính ngân hàng, nhất là v


Nguồn: tinkinhte.com

Mới đây, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đã bỏ tiền ra mua Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong, Tienphong Bank. Trước đây, DOJI đã rất thành công trong hàng loạt lĩnh vực kinh doanh khác, như vàng bạc, nhà hàng, đá quý, băng vệ sinh… Dễ thấy, đây là một hoạt động đầu tư đa ngành.

Về bản chất, đầu tư đa ngành không phải là xấu, và đây là hoạt động nhằm tối đa hóa lợi nhuận của các ông chủ. Nhưng vấn đề trở nên đáng chú ý, khi hoạt động đầu tư đa ngành nhắm tới ngân hàng. Và điều đáng lo ngại ở chỗ, rất có thể các ông chủ ngân hàng bằng một đồng vốn tự có, có thể huy động cả chục đồng vốn để đổ vốn cho các dự án sân sau một cách dễ dãi. Đây không phải là dự báo nữa khi mới đây Ủy ban Kinh tế đã điểm mặt 40 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân đổ vốn vào các ngân hàng thương mại với cổ phần trên 5%.

Theo quy định hiện nay, các ngân hàng không được cho các cổ đông vay vốn. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là chủ tịch Ngân hàng Tiên phong Đỗ Minh Phú cũng cho rằng, có nhiều người nghĩ rằng khi đầu tư vào ngân hàng thì có thể dễ dàng cho vay vốn các dự án sân sau, nhưng quy định hiện nay đã cấm. Cụ thể, Luật tổ chức tín dụng quy định nếu là cổ đông lớn tham gia hội đồng quản trị của ngân hàng thì không được vay tiền từ ngân hàng. Thậm chí không được bảo lãnh hay hỗ trợ tín dụng cho các DN của bản thân trong hệ thống DN của mình. Do đó, không kỳ vọng Tienphong Bank là cổng tài chính cho Tập đoàn DOJI.

Thế nhưng, từ thực tế tư vấn cho nhiều dự án có liên quan đến ngân hàng, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, rất khó tránh điều như ông Phú nói. Ông Hải cho biết, đã tham gia tư vấn cho cả người đi vay và người cho vay. Qua đó thấy rằng hiện nay các ông chủ ngân hàng có rất nhiều công ty con hay tập đoàn khác. Và đương nhiên việc ưu đãi vay vốn chính là họ dành cho họ.

Vậy các ngân hàng làm cách nào để vẫn có thể cho cổ đông của mình vay vốn?

Không khó lách khi các cổ đông ngân hàng có công ty mẹ ở một lĩnh vực khác, nhưng lại có các công ty con, sau đó các công ty con dễ dàng được tiếp cận vay vốn của ngân hàng. Do đó, theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nên học theo quốc tế, nếu đã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng thì không được mở các công ty khác. Hàn Quốc là một ví dụ, sau khủng hoảng tài chính họ đã cấm, nếu thành lập ngân hàng thì không được đầu tư thêm lĩnh vực khác. Thậm chí quy định các doanh nghiệp, tập đoàn có đòn bẩy tài chính là 1 – 1. Tức có 1 đồng vốn thì chỉ được vay một đồng vốn.

Thế nhưng ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, lại cho rằng, dù quy định chặt đến đâu thì vẫn có cửa lách, mà rõ nhất là hình thức ủy quyền. Tức các tập đoàn hoặc đại gia có thể lập ra nhiều công ty tài chính khác nhau, ủy quyền cho nhiều người tưởng như đứng tên, sau đó mua cổ phần của ngân hàng và thâu tóm ngân hàng. Và đã là chủ ngân hàng rồi, thì rất dễ dàng có thể điều chuyển vốn của ngân hàng sang các dự án sân sau. Điều này cho thấy, vì sao một ông chủ doanh nghiệp chỉ nắm giữ tỷ lệ cổ phần tại một ngân hàng không quá 5% theo quy định, mà vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đến một ngân hàng. Một trong những cửa lách là ủy quyền.

Sở hữu chéo là một khái niệm mới ở Việt Nam, nhưng trong thực tế đã tồn tại khá lâu. Theo như báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế, có rất nhiều mối quan hệ chằng chịt theo kiểu sở hữu chéo, đó là ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu một phần ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng thương mại cổ phần sở hữu một phần lẫn nhau, rồi doanh nghiệp Nhà nước – doanh nghiệp tư nhân sở hữu một phần vốn ngân hàng… Vấn đề ở chỗ, liệu câu chuyện sở hữu chéo, rồi vừa sở hữu ngân hàng, vừa sở hữu doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác chỉ toàn rủi ro hay không, đó là quá độ trong phát triển thị trường tài chính ngân hàng, hay là mặt trái của kinh tế thị trường… Đây là câu hỏi cần có sự mổ xẻ kỹ lưỡng để siết chặt các mối quan hệ chằng chịt trong thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Theo Quang Minh (Báo Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.