Xung quanh việc thu hồi đất của nhiều hộ dân ở 2 xã Tân Phú và Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
* Phóng viên: Nhiều hộ dân khẳng định khu đất bán ngập sát mé hồ Dầu Tiếng đã được cán bộ địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Bây giờ muốn giải tỏa làm dự án thì phải bồi thường tiền đất sòng phẳng, ý kiến của ông về việc này ra sao?
- Ông Nguyễn Thanh Ngọc: Không hiểu sao cán bộ thời điểm đó lại cấp sổ đỏ cho người dân. Thời điểm đó, Pháp lệnh Đê điều quy định mọi hoạt động trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng đều phải có giấy phép. Tuy nhiên, cán bộ tại huyện Tân Châu lại quản lý nhà nước theo kiểu lạ như thế. Qua việc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện phải tiến hành thanh tra, kiểm tra việc cấp sổ đỏ này rồi có báo cáo đề xuất xử lý theo quy định.
Ngay lúc này, những phần đất được người dân chứng minh đã có sổ đỏ nằm trong dự án, chúng tôi chủ trương tạm thời không đụng đến, chỉ xử lý những khu vực xung quanh. Đặc biệt, một số trường hợp người dân đưa ra những sổ đỏ sau khi khảo sát thực tế nhận thấy vị trí đất không trùng với vị trí trong sổ đỏ thì vẫn xử lý theo diện đất không có giấy (tức không có sổ đỏ - PV).
* Tóm lại, sau thanh tra, người dân sở hữu sổ đỏ có được bồi thường vì bị thu hồi đất để làm dự án không?
- Về nguyên tắc, nếu được cấp sổ đỏ đúng theo quy định của pháp luật (chẳng hạn như phần đất có sổ đỏ được xác định nằm ngoài hành lang của bờ hồ Dầu Tiếng, việc cấp sổ không có gì sai) thì khi giải tỏa sẽ được đền bù đúng theo quy định của Luật Đất đai. Còn việc cấp sổ đỏ không đúng quy định thì phải thu hồi sổ đỏ, xử lý như đất không có giấy tờ.
Các khu đất sau khi bị san ủi để bàn giao đất làm dự án Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng Ảnh: Lê Phong
* Những cán bộ liên quan đến việc cấp sổ đỏ sai, cấp sổ đỏ trong phần đất thuộc hồ Dầu Tiếng sẽ bị xử lý như thế nào?
- Tất cả dựa vào trách nhiệm cá nhân, tập thể. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, rõ ràng và theo đúng các quy định pháp luật.
* Chỉ một số người dân trồng mì có sổ đỏ ở vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng, còn lại đa phần không có sổ. Trong đơn gửi báo chí, họ cho rằng đã trồng trọt ở đây lâu đời, bây giờ thu hồi đất làm dự án phải bồi thường thỏa đáng cho họ…
- Từ nhiều tháng trước, chính quyền đã tuyên truyền, thông báo nhiều lần về việc thu hồi đất và hỗ trợ kinh phí sản xuất cho người dân trồng trọt trên đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Theo tôi, đa phần các hộ dân đã biết việc sử dụng đất như vậy là không có tính pháp lý. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn muốn tạo áp lực để đòi hỏi thêm được cái gì hay cái đó.
Thực ra, trước giờ người dân thấy chỗ nào không ngập thì tận dụng trồng cây hoa màu. Nói thật, qua rà soát cho thấy không ít hộ dân ở đây nhờ canh tác không công, không nộp gì hết cho nhà nước bao nhiêu năm qua nên thành ra khá giả. Trong khi những hộ nghèo thì không có đất sản xuất.
Hiện nay, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất bán ngập ở hồ Dầu Tiếng, cấp bộ đã có thông tư, chỉ đạo là giao cho địa phương phối hợp với chủ hồ Dầu Tiếng là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa rà soát lại diện tích đất này và xây dựng kế hoạch giao cho người dân nhận khoán, lấy đất để sản xuất. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại hết, có thể có những người buộc phải ra khỏi đất mà không được đồng nào hết, phải nhường đất canh tác cho người thực sự cần, thực sự khó khăn.
Ai sẽ chịu trách nhiệm? Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định ý kiến phản hồi của phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh về việc thu hồi đất nông nghiệp của người dân quanh khu vực vành đai hồ Dầu Tiếng chưa thuyết phục, không đi vào trọng tâm trực diện của vấn đề. Ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả của việc cấp sai sổ đỏ, chịu trách nhiệm bồi thường công sức khai phá của người dân trong trường hợp cấp sai diện tích đất thuộc hành lang an toàn của hồ Dầu Tiếng (nếu có)? Riêng các trường hợp khác, nếu diện tích đất khai phá của người dân hoàn toàn hợp lệ, không vi phạm khu vực hành lang an toàn công trình thủy lợi, khai thác, sử dụng lâu dài ổn định trong trường hợp đã được cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sửa dụng đất thì quyền lợi của họ phải được bồi thường thỏa đáng theo Luật Đất đai hiện hành. Luật sư Đức cũng đặt vấn đề trong lúc UBND huyện cấp sai sổ đỏ cho người dân thì chính quyền cấp tỉnh lại yêu cầu địa phương này thanh tra lại, liệu có bảo đảm yếu tố khách quan? "Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, UBND tỉnh Tây Ninh cần thượng tôn pháp luật, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vụ việc trên. Qua đó, nhằm loại trừ những tranh chấp, khiếu kiện tập thể kéo theo những hệ lụy không hay" - luật sư Đức nói |
-
Động thái mới nhất về dự án sân bay ở Tây Ninh
Dự án sân bay Tây Ninh đang được đề xuất bổ sung vào quy hoạch mạng lưới sân bay toàn quốc. Vị trí dự kiến xây dựng sân bay này nằm cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 74km, cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 106km....
-
Quy định mới về tách thửa đất tại Tây Ninh từ 25/10/2024
Từ ngày 25/10/2024, các quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ được thực hiện theo Quyết định 49/2024/QĐ-UBND....
-
Đề xuất đường sắt nhẹ LRT đi thẳng từ TP.HCM đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài?
Tuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100km, kỳ vọng góp phần gỡ điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng tiềm năng....