Chớ mừng với "gói”, "chương trình”
Thông tin về giảm vài phần trăm lãi suất cho vay cần được nhìn nhận dưới góc độ thực tế: đối tượng hẹp, kỳ hạn ngắn
Phải nói rằng vấn đề thanh khoản không phải căng thẳng ở tất cả các ngân hàng. Nhóm ngân hàng lớn vẫn có đủ khả năng giảm lãi suất cho vay vì lượng tiền đủ lớn. Tuy nhiên những thông tin về giảm vài phần trăm lãi suất cho vay cần được nhìn nhận dưới góc độ thực tế: đối tượng hẹp, kỳ hạn ngắn.
Tiên phong trong trào lưu giảm lãi suất cho vay phải kể đến BIDV, khi chừng 4 tháng trở lại đây đã ít nhất 4 lần thông báo giảm. Vietcombank vài ngày gần đây cũng bắt đầu có tin sẽ giảm lãi suất và khẳng định chính thức hôm 9-2 cho biết lãi suất cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn bằng VND được kéo xuống còn 17%/năm. Lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm.
Chí ít đó cũng là những tín hiệu đầu tiên tích cực cho năm 2012. Việc các ngân hàng lớn dồi dào thanh khoản chấp nhận "thiệt” một chút để nâng cao uy tín và thực hiện đúng vai trò của các tổ chức trụ cột trong ngành là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, lãi suất thấp không dành cho tất cả doanh nghiệp, tất cả các lĩnh vực. Nói đúng hơn là về cơ bản mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao.
Doanh nghiệp điêu đứng với lãi suất vay cao là điều không mới. Các ngân hàng lại càng hiểu rõ điều này vì chỉ có họ mới biết thực tế lãi suất thị trường đang ở mức nào. Vấn đề nợ xấu họ cũng rõ hơn cả. Do đó việc giảm lãi suất ở một số lĩnh vực, một số đối tượng chắc chắn phải được cân nhắc kỹ vấn đề rủi ro.
Đầu tiên là vấn đề nhóm đối tượng được thụ hưởng. Chắc chắn các đối tượng ưu tiên vẫn nằm trong định hướng lớn của Chính phủ, là các doanh nghiệp nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao, bạn hàng lâu năm. Thực tế những doanh nghiệp trụ lại được, làm ăn tốt trong thời buổi khó khăn thì bản thân cũng đã có những năng lực tài chính đáng kể. Thứ hai là kỳ hạn. Cho vay càng dài thì rủi ro càng cao và những bước thử nghiệm giảm lãi suất đầu tiên chắc chắn chỉ diễn ra với kỳ hạn ngắn. Thứ ba là điều kiện vay không thể dễ dãi được. Ngân hàng phải lo cho mình trước, giúp đỡ doanh nghiệp sau. Rào cản kỹ thuật thì vô khối cách để ngân hàng chặn bước doanh nghiệp, nào là có ngoại tệ đối ứng bán lại, lịch sử trả nợ đúng hạn, sử dụng dịch vụ của chính ngân hàng đó nhiều năm... Tóm lại nếu chỉ nhìn vào các con số về mức lãi suất cho vay giảm, thị trường dễ ngộ nhận về một xu hướng cụ thể, trong khi thực ra đây mới chỉ là những tín hiệu mà thôi.
Rào cản cơ cấu
Vì sao không có ngân hàng nhỏ nào thông báo giảm lãi suất cho vay? Câu trả lời là quá dễ dàng vì bản thân ngân hàng còn chưa lo được cho mình thì còn sức đâu mà giúp người khác?
Nghị quyết 03 của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 1-2012 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý 1-2012; theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp. Phải nói rằng sức ép lên Ngân hàng Nhà nước là rất lớn: Doanh nghiệp kêu than, người dân phản ứng về trần lãi suất, Chính phủ thúc ép. Mặc dù định hướng chính sách tiền tệ là chặt chẽ và linh hoạt, nhưng không dễ gì thực hiện tính linh hoạt.
Giải quyết thanh khoản là vấn đề quan trọng nhất lúc này vì xu hướng lạm phát có vẻ đang diễn ra đúng như dự kiến. Một điểm đáng chú ý là thị trường liên ngân hàng gần đây rất bình lặng có thể phản ánh một lý do khác: Ngân hàng nhỏ không còn trông chờ vào thị trường này được nữa vì rào cản tài sản cầm cố được các ngân hàng lớn đặt ra vẫn khắt khe. Những thông tin ngân hàng cho vay chật vật đi đòi nợ ngân hàng bạn khi cho vay liên ngân hàng hoặc gửi ủy thác đã làm tăng thêm mức quan ngại về độ tin cậy lẫn nhau. Các ngân hàng nhỏ thực ra vẫn có cách lách trần lãi suất huy động nếu chấp nhận chịu thiệt, không hạch toán phần chênh lệch lãi suất vào chi phí nữa.
Vấn đề thanh khoản, bơm vốn hạn chế, "ngó lơ” trước các rào cản kỹ thuật của ngân hàng lớn trên thị trường liên ngân hàng có thể là các động tác kỹ thuật để thúc ép quá trình sáp nhập ngân hàng yếu nhanh hơn. Chừng nào vấn đề này chưa được tiến hành xong thì có lẽ mặt bằng lãi suất chưa thể giảm được trên diện rộng.