Rào cổng trường không cho học sinh đến lớp
Ngày 21-9, cổng rào bằng cây do ông Lục Văn Nghị dựng lên trước cổng Trường THCS Nguyễn Du (ập Bà Ai 1, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) đã được giải tỏa, học sinh ra vào trường bình thường. Tuy nhiên, một vài khoảnh đất được đào lên để làm “chướng ngại vật” không cho học sinh tiếp cận cổng trường vẫn chưa được lấp lại.
Theo quan sát của phóng viên, tại lối đi chính đã bị đục bỏ bê tông và khoét sâu xuống đất một khoảng rộng chừng 1,5m. Một khoảng đường đất trước cổng trường bên cạnh lối đi chính cũng bị đào lên tạo rãnh nước không cho học sinh có lối vào trường.
Hàng rào đã được tháo dỡ nhưng những cái hố do ông Nghị đào để làm chướng ngại vật vẫn chưa được trả lại nguyên trạng - Ảnh: Chí Quốc
Ông Lục Văn Nghị - một người dân địa phương thừa nhận chính ông là người đã rào cổng trường và lần này là lần rào thứ hai.
Theo ông Nghị, lần rào trước (cách nay khoảng gần hai tháng), ông không dùng cây chắn ngang cổng trường cùng với việc đào rãnh tạo chướng ngại vật mà dùng dây xích khóa cổng trường lại trong hơn một tuần. Lúc đó là thời điểm nghỉ hè nên không ảnh hưởng gì lớn.
Giữa tuần trước, ông Nghị tiếp tục dùng cây tràm rào cổng trường và đào bới tạo rãnh xung quanh cổng khiến học sinh phải nghỉ học vào sáng 18-9, sau đó ông đã tự dỡ bỏ rào này vì lúc đó UBND huyện Hồng Dân ra thông báo “hứa” sẽ giải quyết rốt ráo khiếu nại của ông trước ngày 28-9.
Ông Nghị nói nguyên nhân khiến ông phải làm như vậy là do khiếu nại của gia đình ông về đền bù thu hồi đất từ nhiều năm qua không được UBND huyện Hồng Dân làm rõ đúng sai.
Theo ông Nghị, năm 2002 cơ quan hữu quan của huyện Hồng Dân có thỏa thuận về việc lấy 2.800m2 đất của gia đình ông để xây dựng Trường THCS Nguyễn Du và hỗ trợ hơn 6 triệu đồng, sau đó sẽ tính cụ thể khi có đơn giá bồi thường.
Đến năm 2004, khi mở rộng khu vực quanh trường làm khu hành chính của xã Lộc Ninh thì diện tích đất gia đình ông bị ảnh hưởng khoảng 29.648m2 với tiền bồi thường hơn 237 triệu đồng. Lúc đó gia đình ông không đồng ý và khiếu nại bởi đất thu hồi năm 2004 nhưng lại áp giá bồi thường năm 1997.
Ngoài ra, năm 2007 UBND huyện Hồng Dân mới ban hành quyết định thu hồi đất của gia đình ông trong khi thực tế đất đã bị thu hồi từ năm 2004. Đáng nói là quyết định thu hồi thì ghi tên hộ ông Lục Văn Hửu (cha ông Nghị), trong khi thửa đất bị thu hồi lại là thửa đất của ông Lục Văn Go - một hộ dân lân cận.
Ông Nghị nói “Tui yêu cầu hoài, tới thời điểm này mà cứ kéo dài. Gia đình tui làm sai thì tui chịu cũng được, còn tui đúng thì cũng phải giải quyết cho đúng”.
Dân ra yêu sách, huyện giải quyết lòng vòng
Ông Lục Văn Nghị trình bày bức xúc về việc thu hồi đất của gia đình ông- Ảnh: Chí Quốc
Giải thích về nguyên nhân vì sao bức xúc chuyện giải quyết khiếu nại đất đai lại rào cổng trường vì hai việc không liên quan nhau, ông Nghị thẳng thắn: “Tui không làm cái này thì họ không vào cuộc”.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Phong, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết toàn trường có 474 học sinh, việc khóa cửa trường đã ảnh hưởng đến học tập của các em.
“Tôi kiến nghị hai bên làm sao giải quyết cho xong để trả lại sự bình yên cho học sinh”, ông Phong nói.
Chiều 21-9, trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Duy, phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, khẳng định nhằm đảm bảo cho học sinh đi học, bằng mọi giá từ nay đến ngày 28-9 UBND huyện sẽ có văn bản chính thức trả lời ông Nghị là vụ việc liên quan đến khiếu nại của ông là đúng hay sai, nếu cơ quan Nhà nước sai thì phải xin lỗi dân.
Ông Duy giải thích dự án khu hành chính xã Lộc Ninh đã hình thành từ năm 2004 cũng là thời điểm “giao thời” Luật đất đai năm 2003, lúc đó luật đã có nhưng thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành nên huyện có thỏa thuận thu hồi diện tích đất như trên của gia đình ông Nghị và bồi thường theo thỏa thuận. Sau này khi ban hành các quyết định thu hồi đất thì có “vướng”.
Dự kiến ngày mai huyện sẽ triệu tập các ngành liên quan để làm rõ, trả lời cho ông Nghị.
Ông Duy cũng thông tin thêm lần trước ông Nghị khóa cổng trường, huyện đã yêu cầu ông tháo cổng và hứa sẽ giải quyết những vấn đề ông Nghị yêu cầu trong vòng 30 ngày, nếu phức tạp thì gia hạn thêm 30 ngày nữa (theo thỏa thuận này hạn chót thời gian gia hạn là ngày 5-10), tuy nhiên “qua 30 ngày thì anh Nghị làm lại tiếp tục rào cổng”.
Còn vì sao đã qua 30 ngày mà vụ việc chưa thể giải quyết rốt ráo, ông Duy nói “hồ sơ nhiều nên cũng lòng vòng”.