Phối cảnh dự án sân bay Phan Thiết
Vì sao phải chấm dứt hợp đồng BOT
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về các công trình trọng điểm của địa phương. Trong đó có nội dung chấm dứt hợp đồng BOT sân bay Phan Thiết.
Theo tìm hiểu, sân bay Phan Thiết được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, là sân bay quân sự kết hợp dân sự, rộng 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp. Bộ Quốc phòng được giao là cơ quan có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận làm cơ quan chủ trì.
Tháng 9/2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao) với Công ty cổ phần Rạng Đông đầu tư hạng mục hàng không dân dụng.
Thời điểm đó, dự án sân bay Phan Thiết được quy hoạch cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 hành khách mỗi năm.
Tuy nhiên, đến năm 2018, quy hoạch sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế hai triệu hành khách mỗi năm.
Do quy mô và tổng mức tư đều thay đổi nên nhiều điểm trong hợp đồng BOT không còn phù hợp.
Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị Công ty cổ phần Rạng Đông chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn. Sau khi hai bên thống nhất, tỉnh sẽ ký văn bản thỏa thuận về điều kiện kết thúc hợp đồng BOT.
Sau khi chấm dứt hợp đồng với Rạng Đông, tỉnh Bình Thuận sẽ tìm nhà đầu tư mới có đủ năng lực thực hiện hạng mục dân dụng thay thế.
Tiềm lực của Rạng Đông tới đâu?
Tại Bình Thuận, Tập đoàn Rạng Đông là doanh nghiệp nổi tiếng khi đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Trong đó, đậm nét nhất là các dự án bất động sản sở hữu những vị trí đắc địa, quy mô đầu tư lớn.
Dự án đô thị đáng chú ý nhất của Rạng Đông tại Bình Thuận phải kể đến là Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được xây dựng trên khu đất rộng hơn 62ha thuộc phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết.
Tiền thân của dự án này là sân golf Phan Thiết do Công ty Regent Internationnal Overseas Corp (vốn 100% nước ngoài) làm chủ đầu tư.
Dự án được cấp phép đầu tư tháng 7/1993 bởi Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thời hạn 50 năm. Dự án đã trải qua nhiều lần điều chỉnh quy mô và chủ đầu tư.
Đến ngày 26/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận thay đổi lần thứ 6, với việc điều chỉnh nội dung từ đất sân golf sang khu đô thị biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Một góc dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển dự án, Rạng Đông dính phải nhiều vụ lùm xùm. Cụ thể, dự án này là 1 trong số 9 dự án mà Bộ Công an tiến hành xác minh, điều tra theo đơn tố giác tội phạm của công dân Bình Thuận
Đến đầu năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Ngoài dự án trên, hai dự án khác của Tập đoàn Rạng Đông ở Bình Thuận cũng từng nằm trong danh sách được Bộ Công an đề nghị cung cấp thông tin là dự án Sea Links Mũi Né và Khu du lịch Xuân Quỳnh.
Khu phức hợp Sea Links City được xây dựng trên tổng diện tích 154ha với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng và được chính thức đưa vào hoạt động năm 2010.
Khu phức hợp này bao gồm nhiều tiểu khu như Sealink resort, Sealink villa, Ocean Vista, Ocean Dunes.
Quy mô dự án gồm khu khách sạn 200 phòng cao cấp, 315 căn biệt thự, 557 căn hộ cao cấp Ocean Vista, 187 căn biệt thự Royal Hill, khu dân cư Đông Xuân An 957 nền đất…
Dự án Khu du lịch Xuân Quỳnh có diện tích 24.150m2. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư đã gần 20 năm nhưng chưa tiến hành xây dựng.
-
Sân bay Phan Thiết tăng vốn lên 4.800 tỉ đồng, chậm tiến độ do khó tìm nhà đầu tư
Cho rằng Tập đoàn Rạng Đông không phù hợp với quy mô của dự án Cảng Hàng không Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận đau đầu tìm nhà đầu tư mới để thay thế. Bên cạnh năng lực tài chính, nhà đầu tư còn phải đáp ứng được yêu cầu vê kinh nghiệm đầu tư.
-
Hơn 2.700 tỉ đồng cải thiện môi trường đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng ở TP. Phan Thiết
HĐND tỉnh Bình Thuận vừa thống nhất chi khoảng hơn 2.700 tỉ đồng để cải thiện môi trường đô thị TP. Phan Thiết và xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn thành phố này.
-
Khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận sắp tới sẽ phát triển ra sao?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai công việc liên quan đến các dự án trọng điểm tại khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận (Tổ công tác 1280) vừa nghe báo cáo tiến độ triển khai công việc liên quan đến các dự án trọng điểm...
-
Những đơn vị hành chính nào ở Bình Thuận sẽ được sắp xếp lại?
Từ ngày 1/12/2024, nhiều đơn vị hành chính cấp xã tại TP. Phan Thiết, huyện Bắc Bình thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ được sắp xếp lại theo quy định.