Trong 17 dự án nhà ở tại Bình Dương do các doanh nghiệp gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư đang bị điều tra, Bộ Tài chính đề nghị rà soát nguồn gốc nhà, đất công tại 12 dự án.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát phản ánh của báo chí, đơn thư về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại tỉnh Bình Dương.

Một trong những vụ việc được đề cập đến là tình hình quản lý, sử dụng đất đai đối với 17 dự án nhà ở do các doanh nghiệp gia đình “nữ đại gia” Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, trong 17 dự án này có 5 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất.

Để làm rõ việc chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân tại các dự án này có hợp pháp hay không? Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Bộ Tài chính đề nghị rà soát nguồn gốc nhà, đất công tại 12 dự án tại Bình Dương do các doanh nghiệp gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư.

Sau khi nhận chuyển nhượng đất thuê và tài sản trên đất thuê, doanh nghiệp gia đình bà Hường tiến hành lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.Với 12 dự án còn lại: 7 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền một lần; 5 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng tài sản trên đất thuê (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền hàng năm.

Bộ Tài chính cho biết, các quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Quyết định 09/2007 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2017) cũng như Nghị định 167/2017 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) đều không có hình thức UBND cấp thẩm quyền thực hiện giao chỉ định hoặc điều chuyển, chuyển giao từ cơ quan, tổ chức, đơn vị sang cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Dương rà soát hoặc phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát nguồn gốc nhà, đất tại 12 dự án nói trên để xác định cụ thể có thuộc đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, hình thức sắp xếp lại, xử lý tài sản công hay không?

Cụ thể, nhà, đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá tại các dự án như: Dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh VI; Dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh IX; Dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh X;

100m2 đường giao thông do Phường Bình Chuẩn quản lý tại Dự án Khu nhà ở Phú Hồng Khang; 567m2 đường giao thông do Phường Bình Chuẩn quản lý tại Dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt; 293m2 đường giao thông do Phường Bình Chuẩn quản lý tại Dự án Khu nhà ở mại Phú Hồng Đạt…

Với các nội dung tính thu tiền sử dụng đất khi giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở do các doanh nghiệp gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Dương rà soát và thực hiện theo quy định, trách nhiệm.

Về việc giao đất, cho thuê đất không qua hình thức đấu giá, lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, nhiều dự án không có tên trong danh sách, chương trình phát triển nhà ở của địa phương…, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến từ các bộ ngành phụ trách như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng…

Liên quan đến 17 dự án nhà ở tại Bình Dương của các doanh nghiệp gia đình bà Phạm Thị Hường, ngày 30/9/2020 Thanh tra Chính phủ có ý kiến gửi đến Văn phòng Chính phủ.

Cơ quan này cho rằng, các dự án chuyển nhượng đất có nguồn gốc chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và vi phạm pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị.

Theo Thanh tra Chính phủ, đây là các vụ việc phức tạp và được công luận phản ánh nhưng báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương chưa làm rõ hết nội dung. Dự kiến, Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai thanh tra tại tỉnh Bình Dương trong quý 4/2020.

Các nội dung thanh tra gồm: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 – 2017; các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tháng 6/2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03), Bộ Công an đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến 17 dự án của 4 doanh nghiệp trên địa bàn.

4 doanh nghiệp đó là: Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam, Công ty CP Phú Gia Khiêm Land và Công ty TNHH thương mại dịch vụ BĐS Phú Phong. Đây là những doanh nghiệp do bà Phạm Thị Hường làm chủ hoặc liên quan đến gia đình nữ đại gia này.

Việc C03 thu thập hồ sơ, tài liệu về 17 dự án nhà ở nói trên nhằm phục vụ cho công tác xác minh dấu hiệu sai phạm trong việc phân lô bán nền và thực hiện dự án đối với 4 doanh nghiệp gia đình bà Hường.

Ngoài ra, C03 còn đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ kết luận kiểm tra việc phân lô bán nền trên địa bàn Thị xã Thuận An (nay là TP.Thuận An) vào năm 2014 liên quan trực tiếp đến bà Hường.

  • Bình Dương liên tục đón dòng vốn ngoại tỷ đô

    Bình Dương liên tục đón dòng vốn ngoại tỷ đô

    Những năm gần đây, Bình Dương liên tục nằm trong danh sách các tỉnh, thành có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Đồng thời địa phương này cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút nhiều dòng vốn tỷ đô khác, chính điều này đã tạo cơ hội cho thị trường bất động sản khu vực bùng nổ.

Phước An/Vietnamnet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.