Gần đây, tranh chấp ở các khu chung cư bùng nổ trở lại. Những mâu thuẫn về đường đi, phí dịch vụ, phí bảo trì… cứ chồng chất chưa thể hóa giải.
Phong trào biểu tình căng băng rôn diễn ra tại nhiều chung cư ở Hà Nội.
Có chuyện là căng băng rôn, đưa lên mạng
Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân diễn ra từ lâu, nơi thì dữ dội, nơi âm thầm. Gần đây, khi mỗi tòa chung cư đều có Facebook nhóm kín, mọi thông tin đều được lên mạng xã hội, khiến mâu thuẫn bùng phát, gay gắt hơn. Căng băng rôn “biểu tình” cũng được nhiều nhóm sử dụng.
Mâu thuẫn giữa cư dân chung cư C14 Bắc Hà (Tố Hữu, Hà Nội) với chủ đầu tư (CĐT) là Cty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà nảy sinh cũng xoay quanh tiền phí bảo trì, quản lý vận hành, diện tích chung... Mâu thuẫn bị đẩy quá xa khi thông tin bị đưa lên mạng xã hội với nhiều bình luận mang tính kích động.
Bà Đặng Kim Ngân, Trưởng Ban quản trị (BQT) tòa nhà C14 Bắc Hà nêu thắc mắc: CĐT chưa chịu bàn giao phí bảo trì gồm 2% cho BQT. Vì vậy, một bộ phận cư dân trong đó có bà, không đóng phí dịch vụ nhiều tháng nay. Theo bà Ngân, cư dân rất bức xúc và sẽ đấu tranh bằng cách căng băng rôn, biểu tình.
Bà Ngân khẳng định chính quyền phường sở tại sẽ vào cuộc đứng về phía dân, bởi vì phường từng bắt CĐT cam kết không được để xảy ra biểu tình! (Trước Tết Đinh Dậu, một cuộc biểu tình đã diễn ra, lý do là: có 3 hộ dân bị cắt nước vì không trả phí dịch vụ 6 tháng liền).
Ngoài “bêu” trên mạng xã hội khi câu chuyện chưa được giải quyết, thì căng băng rôn biểu tình cũng trở thành “phong trào” rộng khắp, coi như một phương thức “đấu tranh” hữu hiệu. Cuộc “biểu tình” hồi đầu tháng 5 của cư dân chung cư Mipec Riverside Long Biên (số 2 Long Biên, Hà Nội). Băng rôn căng khẩu hiệu “Phản đối phí dịch vụ và gửi xe quá cao”.
Những câu chuyện trên cũng đang diễn ra tại hàng loạt chung cư cao cấp như: Capital Garden (102 Trường Chinh); Golden Silk; New Horizon; Parkview Residence; Sông Hồng Parkview 165 Thái Hà...
Nguyên nhân mâu thuẫn
Tối 30/5, tại tòa nhà chung cư C14 Bắc Hà diễn ra cuộc đối thoại giữa CĐT và những đại diện cốt cán của BQT tòa nhà, với sự chứng kiến của một số báo và Phó Chủ tịch phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Phía BQT do bà Đặng Kim Ngân, đưa một số yêu cầu xoay quanh mấy vấn đề chính: Diện tích mặt đất (do thành phố giao CĐT quản lý, nay BQT đề nghị chia sẻ quyền lợi: chung cư 60%, CĐT 40%). Phí bảo trì 2%, đề nghị lập tức chuyển BQT...
Đáp lại, phía Công ty Cổ phần tập đoàn Bắc Hà mà đại diện là Phó TGĐ Nguyễn Quang Khải cùng Trưởng Ban quản lý (BQL) cụm chung cư Bắc Hà, ông Đỗ Văn Tiêu đưa một loạt văn bản quy định, thông tư để khẳng định: CĐT đang quản lý đúng quy định của pháp luật đối với phần diện tích mặt đất chung. BQL tòa nhà - Cty Cổ phần Friedly do CĐT thuê không hề kinh doanh trên diện tích mặt đất chung để mà chia phần.
Về kinh phí bảo trì 2%, phía BQT từng gửi tối hậu thư yêu cầu CĐT phải nhanh chóng chuyển giao. Phía Bắc Hà giải thích với BQT và báo chí: Sẽ chuyển phí 2% khi BQT đáp ứng các điều kiện theo đúng yêu cầu của pháp luật như mở tài khoản, bầu chủ tài khoản, có quy chế thu chi tài chính được hội nghị dân cư thông qua...
“Chúng tôi không thể giao hàng chục tỷ đồng cho một nhóm trên dưới chục người, mà không theo quy định của Nhà nước! Nhỡ có chuyện gì xảy ra với số tiền này, chúng tôi biết ăn nói thế nào với mấy trăm hộ dân?”, đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Bắc Hà nói.
Về mâu thuẫn ở chung cư Mipec Riverside giữa CĐT là Cty Cổ phần Hóa dầu Quân đội và ban đại diện (chung cư mới đi vào hoạt động nên chưa có BQT mà chỉ có ban đại diện tạm thời): Ban đại diện và một số cư dân biểu tình phản đối phí dịch vụ 10.000 đồng/m2, cho rằng “quá cao” so với mặt bằng chung. Còn lý lẽ của CĐT: 10.000đồng/m2 đã quy định trong hợp đồng mua bán, CĐT có ép khách hàng ký hợp đồng đâu!
Một số cư dân chê Mipec không được như quảng cáo, gần như không có cây xanh dưới sân và bao quanh tòa nhà, không có chỗ đi dạo cho người già, vui chơi cho trẻ em. Cư dân Golden West, đường Lê Văn Thiêm thì phản đối CĐT tận dụng căn hộ thoáng để chia nhỏ ra bán thêm.
Hướng giải quyết
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, xây dựng các khu đô thị mới văn minh không hề đơn giản, đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc ban hành đồng bộ các quy định, chế tài quản lý chung cư mới; cả trách nhiệm của CĐT- phải nghiêm túc tuân thủ trong đầu tư và vận hành dự án và cần nhất là ứng xử của dân, chính họ quyết định môi trường sống của mình.
Lãnh đạo Sở này cho rằng “để giải quyết mâu thuẫn, Bộ Xây dựng cần ban hành quy định tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, khả năng đoàn kết để làm cơ sở bầu BQT”. Nhiều người dân phàn nàn “BQT không hề đại diện cho chúng tôi”. Có BQT từng phải thay vì chưa đáp ứng được yêu cầu của cư dân. Một số người dân ở Khu đô thị Cầu Bươu phản ánh: “Chỗ chúng tôi bầu BQT hai, ba lần không xong, bởi lẽ: Có vị vào BQT để cống hiến, cũng có vị vào để thêm thu nhập, làm một thời gian không có phụ cấp thì đâm chán nản”.
Ngọc Mai (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.