Triển khai thành công đề án này, không chỉ người dân thoát cảnh “sống mòn” trên nền di sản mà không gian xưa Kinh thành Huế cũng được về nguyên trạng.

Căn nhà tạm bợ chừng 30 m2 của ông Dương Văn Dũng ở tổ 18, phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm chênh vênh trên Thượng Thành Kinh thành Huế. Gia đình ông Dũng có 7 anh em đều đã lập gia đình riêng.

Bao nhiêu năm nay, cả chục người trong gia đình này sống chung trong 1 căn nhà chật chội, nắng dọi mưa dột. Ông Dũng cho biết, mỗi lần mưa bão là cả nhà chạy xuống dưới đường phố tránh tai họa.

Di tích Thượng Thành Kinh thành Huế bị xâm hại nghiêm trọng.

“Ở đây lâu rồi. Nhà dột nát, có mấy trận bão là bay sập nhà luôn. Vì nhà đã chật hẹp thì mình bỏ giường thì không có chỗ, mưa dột là chảy, nhiều khi ngủ không được, phải đứng dậy.

Ở đây, nhiều nhà họ có vận may, làm ăn được thì họ đi, còn không thì cứ bám vô đây mà sống thôi. Cũng mong muốn đi lắm” – ông Dũng chia sẻ.

Tình trạng nhếch nhác trên Kinh thành Huế ngày càng thêm nhức nhối. Việc tu bổ di tích Kinh thành Huế đặt ra từ lâu nhưng kiểu làm vẫn “được chăng hay chớ”.

Từ năm 1996, tức là sau 3 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế, di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại, Chính phủ đã phê duyệt “Dự án Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế”. Trong đó, có các hạng mục rất quan trọng như phục nguyên Đại Nội Huế, tu bổ Kinh Thành và Hoàng Thành.

Thế nhưng, mãi đến năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới ban hành “Đề án đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế”, tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng.

Theo Đề án này, phải di dời gần 800 hộ dân xâm hại Tường Thành và Eo bầu Kinh thành Huế. Vậy mà, sau hơn 8 năm triển khai, cũng chỉ có 170 hộ dân ở mặt Nam Kinh thành Huế được di dời.

Những nhà xây dựng trên bề mặt Thượng Thành phải xây bậc thang để lên xuống.

Giải thích về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế cho rằng do vướng các qui định về chính sách đền bù giải toả. Bởi theo các qui định về chính sách giải toả đền bù thì những hộ dân xây nhà, sinh sống trong khu di tích trước ngày 19/5/1976 mới được đền bù, bố trí đất tái định cư.

Đối với những hộ lấn chiếm, dựng nhà sau thời điểm này chỉ được hỗ trợ di dời chứ không đền bù đất ở. Trong khi đó, phần lớn hộ dân trong khu vực Thượng Thành và Eo Bầu Kinh thành Huế đều dựng nhà tạm sau năm 1976, không có giấy tờ nhà đất, chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nhiều hộ không có giấy tờ cần thiết để áp dụng chính sách đền bù theo quy định hiện hành.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, khó khăn hiện nay là làm sao ổn định sinh kế cho bà con khi giải tỏa: “Sau khi giải tỏa giai đoạn 1, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức mời họp các phòng ban để rút kinh nghiệm và xây dựng phương án giải tỏa giai đoạn 2 và các giai đoạn sắp tới.

Những vấn đề cần phải thay đổi về chính sách để đảm bảo tiến độ giải tỏa được nhanh hơn.”

Rất nhiều năm trôi qua, câu chuyện di dời dân xâm hại di tích Kinh thành Huế cứ dùng dằng. Việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế tái khởi động “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế” tạo bước đột phá lớn về chỉnh trang đô thị, đáp ứng mong đợi của mọi người.

Nhà dân xây dựng đè lên Thượng thành di tích Kinh thành Huế.

Hàng chục năm “sống mòn” trên di sản, nay chuẩn bị chuyển đến nơi ở mới, bà con ai cũng mừng. Gia đình bà Lê Thị Cúc ở khu vực Thượng Thành, thuộc tổ 14, phường Thuận Lộc, thành phố Huế sống ở đây từ trước năm 1975, vừa nghe tin di dời bà vui ra mặt:

“Ở đây quá cực khổ, nhà cửa nhớp nhúa, không có đầy đủ phương tiện. Mong chờ Nhà nước quan tâm tâm để giải tỏa, cho đi càng sớm càng sớm càng tốt để an cư lạc nghiệp.” – bà Cúc nói.

Đã bước qua tuổi 80, cả đời gắn bó với mảnh đất cố đô Huế, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vui mừng khi Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết tâm thực hiện “cuộc di dân lịch sử”, trùng tu Kinh thành Huế.

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Di sản Cố đô Huế là báu vật của quốc gia, việc trùng tu tôn tạo không chỉ riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế mà trách nhiệm của cả nước.

“Việt Nam có Kinh đô và Cố đô. Dĩ nhiên có nhiều Cố đô nhưng Cố đô Huế cập nhật, gần gũi nhất với thời đại này và đã được công nhận và có đầy đủ tiêu chí quốc gia, quốc tế.

Cố đô của nước Việt Nam thì họ có trách nhiệm đóng góp vô để xây dựng cố đô đó cho nước Việt Nam, chứ không cho tỉnh Thừa Thiên - Huế” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh.

Người dân xả rác bừa bãi lên Kinh thành Huế.

Theo “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế” thì từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ di dời 4.200 hộ với 1 vạn rưỡi dân, tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng.

Việc thực hiện Đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2021, di dời giải tỏa bố trí tái định cư cho hơn 2.900 hộ dân; Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2022 đến 2025 di dời, tái định cư số hộ dân còn lại và phục hồi, tôn tạo di tích Kinh thành Huế.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch khu tái định cư 73,5 hécta tại phường Hương Sơ, thành phố Huế, đảm bảo chỗ ở cho khoảng 3.000 hộ dân. Vị trí nơi ở mới cách nơi ở cũ khoảng 3 cây số, không ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của bà con.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế. Khung chính sách này có nhiều vượt trội so với các quy định hiện hành.

Cụ thể, trước đây chỉ những hộ dân trú ngụ trước năm 1975 mới được đền bù thì nay, với cơ chế đặc thù, toàn bộ các gia đình trong khu vực này đều được đền bù, bố trí tái định cư theo mức hợp lý.

Đối với hộ nghèo còn được giảm 30% tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư.

Một ngôi nhà xây dựng tạm bợ trên Thượng Thành Kinh Thành Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: khung chính sách vượt trội vừa được Thủ tướng phê duyệt đã tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác đền bù giải tỏa kéo dài hàng chục năm qua ở địa phương này:

“Thủ tướng đã cho chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ đền bù. Vấn đề thứ nhất là kinh phí, kinh phí rất khó khăn. Nếu giải toả khu vực 4.200 hộ, trong giai đoạn 1 là 2.900 hộ thì kinh phí giai đoạn 1 đã gần 1.400 tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối của địa phương.

Phần lớn bà còn đều không ở hợp pháp, không có giấy tờ hợp lệ, cho nên việc giải quyết bồi thường hỗ trợ bà con là hết sức quan trọng. Muốn cơ chế thoáng hơn tạo điều kiện cho bà con có đủ kinh phí để làm nhà ở trên các khu tái định cư mới” – ông Thọ cho biết.

Quyết tâm di dời dân, trả lại không gian xưa cho di tích Kinh thành Huế của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu ủng hộ mạnh mẽ. Và chủ trương này cũng được hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực I di tích Kinh thành Huế đồng thuận.

Triển khai thành công đề án này, không chỉ người dân thoát cảnh “sống mòn” trên nền di sản mà không gian xưa Kinh thành Huế cũng được trả lại nguyên trạng. Và nơi đây sẽ là điểm đến mới lạ với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.

Nhóm PV (VOV - Miền Trung)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.