Giám sát của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM về công tác đầu tư xây dựng và công tác tái định cư (TĐC) cho thấy hiện quỹ nhà TĐC trên địa bàn TP đang thừa, thiếu cục bộ ở các quận/huyện dẫn đến tình trạng nhà TĐC bỏ trống nhưng dân vẫn tạm cư, gây nên lãng phí và bức xúc cho người dân.

Nơi thừa chỗ thiếu

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong giai đoạn 2012-2020, TP sẽ tiếp tục triển khai 154 dự án trọng điểm với hơn 63.000 hộ dân bị ảnh hưởng, dự kiến có nhu cầu TĐC hơn 28.800 hộ. Trong tổng số 32.327 căn hộ, nền đất TP đã đầu tư xây dựng và mua lại từ dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đến nay TP đã bố trí sử dụng 27.845 căn hộ, nền đất.

Còn 4.482 căn hộ, nền đất chưa bố trí nhưng đã phân bổ và có kế hoạch thực hiện. Nhưng căn cứ vào báo cáo đăng ký nhu cầu TĐC của các quận/huyện giai đoạn 2012-2015, 4.482 căn hộ và nền đất hiện có chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu TĐC của khoảng 14.000 hộ dân.

Hai khối chung cư lô J với 620 căn hộ thuộc dự án khu TĐC 17,3ha
tại phường An Phú - Bình Khánh, quận 2, vừa được chủ đầu tư bàn giao cho cư dân đầu năm 2012.

Như vậy, thực tế cho thấy trên địa bàn TP vẫn còn quỹ nhà TĐC, thậm chí một số dự án sau khi hoàn thiện đã bỏ trống trong một thời gian dài, gây lãng phí, bức xúc cho người dân vì nhiều người dân sau khi di dời vẫn phải tạm cư trong thời gian dài.

Phó Ban Kinh tế Ngân sách Nguyễn Văn Lâm cho rằng, người dân sau khi bị di dời rất thiệt thòi, do đó cần phải thực hiện đúng chủ trương của Thành ủy trong công tác thực hiện TĐC, đó là “không để người dân nào không có nhà ở sau khi di dời”.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng cho biết, có tình trạng quỹ nhà TĐC thiếu, thừa cục bộ ở các quận/huyện nhưng rất khó điều chuyển, cân đối vì các khác biệt về vị trí, giá bán, đặc điểm nhu cầu sử dụng của các hộ dân ở từng dự án thu hồi đất của từng quận/huyện.

Còn theo Ban bồi thường TĐC, các quận/huyện đang thực hiện bố trí TĐC đã công bố danh mục TĐC ra dân và chờ người dân lựa chọn, không thể thu hồi bán đấu giá hoặc điều chuyển cho dự án khác mà phải chờ cho đến khi kết thúc công tác bồi thường.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị TP phân cấp cho quận/huyện được mua, điều chuyển, cân đối và quản lý sử dụng quỹ nhà TĐC để tạo sự chủ động trong việc bố trí, sử dụng, lập kế hoạch đầu tư xây dựng và mua quỹ nhà, đất phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Tạm cư 10 năm!

Liên quan đến 1.427 hộ dân tạm cư phát sinh mà Sở Xây dựng báo cáo với đoàn giám sát, ông Từ Minh Thiện, đại biểu HĐND bức xúc cho biết có những trường hợp đã tạm cư 10 năm trời, tức đã mất 1/6 đời người đi ở tạm, phải chịu thiệt thòi rất nhiều. Do đó, phải ưu tiên tập trung giải quyết TĐC cho những trường hợp tạm cư quá lâu.

Để hạn chế tình trạng tạm cư trong thời gian dài, Sở Xây dựng đề xuất chủ đầu tư và UBND quận/huyện phải xây dựng phương án tạm cư cho các hộ dân. Theo đó, chỉ giải quyết tạm cư đối với những trường hợp có nhu cầu TĐC tại chỗ hoặc giao mặt bằng cấp bách để thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND TP.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, đồng tình các kiến nghị của Sở Xây dựng và yêu cầu Sở nhanh chóng gửi các đề xuất này lên UBND TP. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Sở Xây dựng với tư cách là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TĐC TP, phải phối hợp với UBND các quận/huyện và các cơ quan liên quan thực hiện điều tra xã hội học khi thực hiện dự án thu hồi đất và kế hoạch quản lý sau khi di dời.

Đồng thời khảo sát cuộc sống của người dân sau khi TĐC để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân nhằm thực hiện công tác TĐC tốt hơn. Ông Đông cho biết, Ban Giám sát sẽ chọn 1-2 dự án để khảo về chất lượng dự án và cuộc sống của người dân sau khi TĐC.

Theo Đỗ Trà Giang (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.