28/11/2017 8:44 AM
“Đi hay ở?” là câu hỏi của hàng trăm hộ dân trong khu dự án treo làng ĐH Huế đau đáu suốt 20 năm qua.
Dự án làng ĐH Huế được Chính phủ phê duyệt ngày 17-3-1998 tại hai phường An Tây và An Cựu (TP Huế, Thừa Thiên-Huế). Tổng diện tích dự án là 120 ha, các trường ĐH hiện hữu chiếm 26,5 ha.
Theo dự kiến, tháng 3-2018 dự án sẽ hoàn thành nhưng đến nay chỉ mới 1/2 khu đất được giải phóng mặt bằng.
Đi không nỡ, ở cũng chẳng xong
Phía Nam TP Huế đang phát triển từng ngày, những ngôi nhà của người dân thuộc phường An Tây, An Cựu vẫn lụp xụp mái tôn dột nát, vách tường xây tạm bợ dù trước mặt nhà là con đường lớn, hiện đại.
Từ khi có quy hoạch dự án làng ĐH, người dân trong vùng vui mừng vì sự phát triển chung của quê nhà. Đáng tiếc, năm tháng qua đi, hơn 200 hộ dân ở đây dần dần mất hy vọng khi nhà ở của họ ngày càng xuống cấp, còn dự án chỉ nhích từng bước nhỏ.
Bà Huỳnh Thị Hồi (54 tuổi, tổ 21, KV4) chia sẻ: “Nhà tôi xuống cấp lắm rồi nhưng vì vướng quy hoạch nên tôi không thể xây nhà kiên cố được. Khổ nhất là mấy đứa nhỏ, mùa hè thì chịu cảnh nóng bức, mùa đông lại bị mưa dột ướt hết”.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Nghĩa (80 tuổi) bức xúc: “Cuộc sống ở đây rất phức tạp và thiếu thốn. Đất có đó nhưng con cái lại không tách ra ở được, tất cả phải ở chung trong căn nhà nhỏ này. Tôi đã 80 tuổi, không biết có chờ được ngày di dời không”.
Luôn trong trạng thái phập phồng chờ di dời, người dân ở đây tiến thoái lưỡng nan vì ở lại thì khổ sở mà đi thì chưa được bồi thường, biết đi đâu.
Người dân khổ sở sống trong căn nhà rách nát. Ảnh: NGUYỄN DO
Thiếu kinh phí thực hiện
Theo số liệu năm 2005, tổng số nhà dân trong quy hoạch là 362 hộ, trong đó có 109 hộ ở thuộc diện trái phép. Đến nay, dự án chỉ mới bồi thường, di dời được 60 ha trên quy mô 120 ha Chính phủ đã phê duyệt.
Ông Ngô Văn Tuấn, Trưởng Ban cơ sở vật chất ĐH Huế, cho biết sau gần 20 năm thực hiện, dự án đã xây dựng các công trình như Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Ngoại ngữ, Nhà thi đấu thể thao ĐH Huế, 10 khu ký túc xá sinh viên…
Theo quy hoạch, làng ĐH sẽ là một tổng thể hoàn chỉnh, hiện đại với các khu học tập, nghiên cứu và phục vụ điều hành của tất cả trường ĐH tại Huế; ký túc xá, cây xanh, công viên…, quy mô của làng ĐH đủ để đào tạo khoảng 30.000 sinh viên hệ chính quy.
Về việc bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Tuấn cho biết còn nhiều bất cập. Đến nay mới bồi thường và di dời được 46/238 hộ, số còn lại chưa đủ kinh phí và cũng có nhiều hộ xây dựng nhà trái phép.
“Chúng tôi và UBND tỉnh đã kiến nghị nhiều lần đề nghị các bộ, ban, ngành cấp vốn để bồi thường dứt điểm, di dời người dân đến nơi ở mới để mọi người đỡ cực khổ ổn định cuộc sống nhưng chưa khả thi” - ông Tuấn nói.
Ông Đoàn Bình Lương, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu, nhận định dự án kéo dài gây khó nhất cho những hộ có nhà xuống cấp quá nặng mà chưa được bồi thường, di dời. Chứng kiến cảnh người dân chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung trong những căn nhà cũ nát, chính quyền địa phương chỉ còn cách đến giúp dân chằng chống nhà cửa để cho họ tạm an tâm vượt qua những mùa mưa bão.
Dự án làng ĐH Huế được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện từ năm 1999; giai đoạn 2 được phê duyệt cuối năm 2014 với mức đầu tư 259 tỉ đồng, dự kiến kết thúc vào tháng 3-2018.
Trong khi đang xây dựng giai đoạn 2, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà làm việc và nhà thư viện các trường với mức đầu tư 127 tỉ đồng. ĐH Huế đã kiến nghị Bộ đưa vào kế hoạch trung hạn từ 2018 đến 2020.
Nguyễn Do (Pháp Luật)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.