Bên cạnh việc di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp với quy hoạch thì việc đầu tư mới các hệ thống xử lý chất thải, quy hoạch mới các khu, cụm công nghiệp ở địa điểm phù hợp,… cũng góp phần chủ động kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ảnh minh họa

Di dời nghĩa trang, bãi rác, cụm công nghiệp

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch đóng cửa các bãi rác và di dời các nghĩa trang không còn phù hợp với quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Việc di dời các nghĩa trang và đóng cửa các bãi rác nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực đô thị và nông thôn, chủ động kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đô thị và đảm bảo chỉ tiêu nông thôn mới về môi trường,…

Theo kế hoạch vừa được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 91 nghĩa trang không phù hợp với quy hoạch cần phải di dời ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư nông thôn. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng có 3 bãi rác hiện không còn phù hợp với quy hoạch, địa phương đang thực hiện đóng cửa chuyển về bãi rác phù hợp quy hoạch

Mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo di dời các doanh nghiệp trong các Cụm công nghiệp Quang Trung, Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn) và Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (thị xã An Nhơn).

Việc di dời các doanh nghiệp nói trên nhằm thực hiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo mỹ quan đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Tuấn yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan hoàn thành việc di dời các doanh nghiệp kho bãi, logistics trong các Cụm công nghiệp đến các địa điểm đã quy hoạch làm kho bãi, dịch vụ, logistics trong năm 2024.

Đồng thời hoàn thành việc di dời các doanh nghiệp sản xuất đến CCN Bùi Thị Xuân (đối với doanh nghiệp trong CCN Quang Trung và CCN Nhơn Bình) và CCN Tân Đức (đối với doanh nghiệp trong CCN Gò Đá Trắng) trước tháng 10/2025.

Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã lên kế hoạch di dời các nhà máy vào khu, cụm công nghiệp; di dời các khu, cụm công nghiệp ra khỏi đô thị;…

Ảnh minh họa

Kỳ vọng gì ở các quy hoạch mới?

Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững cũng như chủ động kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân,…

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 85% được sử dụng nước sạch; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%. Tỉnh cũng đảm bảo cấp nước cho các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa phấn đấu tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 100% và xử lý theo quy định đạt 90%; giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom xuống dưới 10%.

Đặc biệt, các đô thị trên địa bàn tỉnh phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt trên 60% (đối với đô thị loại I) và trên 50% (đối với các loại đô thị còn lại).

Tương tự, Quảng Bình phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý ở khu vực đô thị đạt trên 98%; tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%;...

Quảng Bình cũng phấn đấu 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày.

Cũng theo quy hoạch được duyệt, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Quảng Bình có tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 98%, trong đó thành thị đạt 100% và nông thôn đạt 80%; 100% chất thải rắn phát sinh tại các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, chất thải y tế được thu gom và xử lý;…

Riêng tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh năm 2025 đạt 98,5% và năm 2030 đạt 99,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn đến năm 2030 tại khu vực nông thôn đạt 90% và khu vực thành thị đạt 98%.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.