Theo đại biểu, việc quy định tiền thuê đất trả tiền hàng năm tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó cũng là con số khó đánh giá, nhất là với thị trường như hiện nay và tránh thất thoát chênh lệch địa tô.

Ảnh minh hoạ

Tiếp tục phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều ngày 21.6, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn ĐHQH Hà Nội) đã đóng góp ý kiến đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, đại biểu Nguyễn Trúc Anh đề nghị bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất đối với các dự án phát triển khu đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu dân cư nông thôn, dự án chỉnh trang đô thị, dự án chỉnh trang khu dân cư nông thôn. Đây là mảng trọng yếu, nhà nước phải làm nhưng rất cần xã hội hóa việc giải phóng mặt bằng thường tư nhân không làm hoặc khó làm.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đưa các dự án công viên thể dục thể thao, trường học, bệnh viện vui chơi giải trí vào trường hợp thu hồi đất hoặc đối với các dự án phát triển thương mại, dịch vụ và trường hợp thu hồi đất nếu có quy mô lớn, có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ, có đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương thì được thực hiện cho thu hồi đất và đấu thầu dự án đầu tư theo quy định. Chi tiết của việc này do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết nghị.

Đối với giá đất để tính tiền thuê đất trả tiền hàng năm, đại biểu cho biết, quy định tại dự thảo trình kỳ họp lần này đã có chỉnh sửa so với dự thảo trước đây. Theo đó, tiền thuê đất hàng năm cho kỳ tiếp theo 5 năm không được tăng quá 15% so với chu kỳ trước đó.

Theo đại biểu, quy định này đã phần nào tháo gỡ bài toán hiệu quả của dự án đầu tư có thể thuê đất trả tiền hàng năm. Tuy nhiên, việc quy định tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó cũng là con số khó đánh giá, nhất là với thị trường như hiện nay và tránh thất thoát chênh lệch địa tô.

Đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị, tiền thuê đất hàng năm được ổn định trong vòng 5 năm đầu tiên và trong trường hợp tiền thuê đất hàng năm có tăng thì không được vượt quá biên độ nới rộng là 20% tiền thuê đất mà người sử dụng đất trả trong năm đầu tiên tính cho cả thời gian dự án. Nếu có trường hợp đặc biệt sẽ do Hội đồng nhân dân quyết nghị.

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho ý kiến về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu để khắc phục tình trạng nhà "siêu méo", "siêu mỏng".

Về đền bù, giải tỏa mặt bằng khi thu hồi đất để thực hiện dự án, theo đại biểu, vấn đề này rất hay gặp vướng mắc là do phần lớn không thỏa thuận được. Thậm chí, có trường hợp người dân không cho gặp để thỏa thuận. Điều này dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai dự án. Vì vậy mà có câu chuyện, nhiều huyện hàng chục năm chỉ thực hiện được việc tự thỏa thuận được một vài dự án, còn phần lớn là chưa xong hoặc phải bỏ dự án.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo suy nghĩ để tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và doanh nghiệp trong cả nước.

Đối với các dự án thuộc nhóm tự thỏa thuận, nếu đạt từ thỏa thuận được từ 70% trở lên và thời gian đã chậm gấp 2 lần so với thời gian mà cấp có thẩm quyền cho phép thì chính quyền phải vào cuộc để thực hiện việc giải tỏa và giá đất chỉ bằng giá quy định của Nhà nước cho đất ở khu vực đó.

Liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn ĐBQH Thái Bình) đề nghị dự thảo luật sửa đổi theo hướng, với một số quy hoạch đã được phê duyệt, cho phép được lập dự án giải phóng mặt bằng độc lập song song hoặc trước dự án đầu tư để có sự chủ động, rút ngắn thời gian đầu tư.

Đại biểu cho biết, theo quy định hiện nay, diện tích đất cần thu hồi phải chuyển mục đích sử dụng. Tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, có hình thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông dựa trên sự thỏa thuận giữa người có quyền sử dụng đất với nhà đầu tư, không cần chuyển mục đích sử dụng đất.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định trong luật đối với một số dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông nhất định, có thể sử dụng hình thức góp vốn bằng toàn bộ hoặc một phần quyền sử dụng đất mà không phải chuyển mục đích sử dụng đất.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.