CafeLand - Ngày 5/12, Nghị định 126/2020/NĐ-CP về Hướng dẫn luật quản lý thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực. Nhưng đến nay, vẫn xảy ra nhiều vấn đề khúc mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc nộp thuế.

Bị phạt vì chậm nộp

Theo quy định cũ, Nghị định 91/2014, doanh nghiệp dự kiến kết quả kinh doanh trong năm để xác định số thuế tạm nộp của từng quý và thuế tạm nộp phải đạt 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm. Phí chậm nộp chỉ bị tính sau ngày 31/1 của năm tiếp theo.

Điều 8 của Nghị định 126/2020 có sự thay đổi khi quy định doanh nghiệp phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế phải nộp cả năm vào trước 30/10 (hết quý III). Nếu chưa đủ 75% thì doanh nghiệp sẽ bị tính tiền chậm nộp số tiền thuế bị thiếu từ ngày 1/11 đến ngày nộp.

Như vậy có 2 sự thay đổi chính trong nghị định mới này. Thứ nhất là thuế tạm nộp của doanh nghiệp từ 80% còn 75% tổng thuế cả năm nhưng quy định mới yêu cầu doanh nghiệp phải nộp vào cuối quý III. Thứ 2 là các doanh nghiệp nộp thiếu thuế sẽ chịu khoản tiền nộp chậm tính từ ngày 1/11 (năm nay) thay vì 31/1 (năm sau) so với trước đây.

Ngành thuế lý giải, sở dĩ có sự thay đổi này là do thực trạng nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp, không thực hiện tạm nộp hằng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý IV (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Do đó, tiền nộp thuế chuyển sang ngân sách năm sau, ngành thuế gặp khó khăn trong việc thu được đúng tiền thuế trong năm ngân sách. Đồng thời, không đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và các doanh nghiệp không tuân thủ.

Bịt lỗ hổng nhưng lại ra lỗ hổng mới

Việc thay đổi trong quy định nộp thuế này một mặt giúp Cục thuế quản lý tốt hơn ngân sách nhà nước trong năm, một mặt hạn chế những doanh nghiệp chây ì trong nộp thuế. Nhưng vô hình trung lại đẩy cả những doanh nghiệp tuân thủ tốt vào thế khó. Các doanh nghiệp cần phải tự ước lượng “chính xác” được thu nhập doanh nghiệp của mình trong quý IV (dù vẫn đang còn ở quý III).

Trường hợp nếu quý IV doanh nghiệp “ăn nên làm ra” tăng trưởng vượt bậc thì sẽ có khả năng cao nộp thiếu thuế so với dự tính. Mà nếu thiếu thuế thì phải chịu phí phạt 0,03%/ngày. Một khoản dôi chi phí bất đắc dĩ tự nhiên xuất hiện vì lí do “làm ăn tốt trong quý IV”.

Trường hợp nếu quý IV làm ăn thua lỗ, thì khả năng cao doanh nghiệp nộp thừa thuế, xảy ra tình trạng bị chiếm dụng vốn. Do không đoán chắc được doanh thu thường nộp dư để tránh nguy cơ bị phạt. Phần nộp dư này doanh nghiệp có thể xin hoàn nhưng thủ tục phức tạp nên hầu như doanh nghiệp chịu treo ở đó rồi khấu trừ vào quý sau.

Theo quy định, số tiền nộp thừa sẽ khấu trừ vào số tiền thuế doanh nghiệp trong 2020 - 2024. Kết thúc thời hạn trên, doanh nghiệp sẽ mất số tiền thừa đó. Nhưng điều này có vấn đề ở chỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ trong 2020 - 2024, thì coi như không được nhận lại tiền hoàn thuế; hoặc đến hết năm 2024 mà vẫn chưa được hoàn thuế hết số tiền thuế nộp thừa, thì doanh nghiệp cũng sẽ không được nhận số tiền hoàn thuế còn lại.

Tệ hơn, trường hợp nếu tình hình kinh doanh quý IV của doanh nghiệp thua lỗ, dẫn đến tạm ngừng hoặc phá sản, vậy số tiền thuế thừa, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ vào đâu hay mất luôn số tiền đó?

Vô lý chồng vô lý

Các doanh nghiệp bình thường đã khó, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh mùa vụ, hay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng càng gặp thế khó. Nhiều doanh thu lợi nhuận chủ yếu tập trung vào quý IV (như các DN bán bánh mứt Tết, bán hàng Noel, hay sản xuất đơn hàng trong quý II, III nhưng quý IV mới xong để giao, dịch bệnh đột xuất vào cuối năm…), sẽ phải bỏ tiền ra để nộp thuế trước cho Nhà nước, không bỏ thì sẽ chịu lãi “cắt cổ” nộp chậm trong khi tiền bán hàng và doanh thu chưa có.

Đặc biệt, doanh nghiệp bất động sản chỉ cần phát sinh 1, 2 thương vụ ngoài kế hoạch, lợi nhuận quý IV sẽ lập tức tăng đột biến. Các doanh nghiệp xây dựng doanh thu thường được các chủ đầu tư quyết toán dồn vào quý IV. Vậy với những doanh nghiệp này thì khả năng vi phạm nghị định 126 là rất lớn.

Thực tế, trong kinh doanh trừ một số ngành nghề ít biến động theo mùa vụ hoặc có hệ thống kinh doanh tốt, bộ phận quản trị tốt thì đa phần còn lại rất khó đưa ra dự báo chính xác lợi nhuận cho cả năm. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay việc dự báo kết quả kinh doanh càng khó khăn. Như vậy, Nghị định 126 sẽ làm cho rất nhiều doanh nghiệp “bị phạt”. Số tiền lãi phạt có thể không quá lớn nhưng nó cũng gây ra tâm lý bất an cho doanh nghiệp.

Như vậy, quy định phạt việc nộp chưa đủ thuế thu nhập doanh nghiệp ước tính nhằm đánh vào những doanh nghiệp cố tình “gian lận” và tăng số thuế phải thu. Tuy nhiên, không biết Bộ tài chính đã ước tính được lợi ích từ chính sách này như số tiền có thể thu thêm từ việc phạt… hay chưa nhưng nó đang gây ra nhiều quan ngại đối với các doanh nghiệp. Với số lãi phạt cao hơn không quá nhiều so với lãi suất ngân hàng và rủi ro khi nộp thuế thừa thì có lẽ lựa chọn tốt nhất của doanh nghiệp là chấp nhận rủi ro chịu phạt.

Chủ đề: Thuế doanh nghiệp,
Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.