01/09/2017 9:16 AM
Bàn về quy định “Các dự án xây dựng mới phải có hầm đỗ xe” vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Hãy tập trung vào điểm tích cực của quy định này như nhìn vào nửa đầy của ly nước, thay vì nửa vơi.

Áp lực về hạ tầng giao thông đang rất nặng nề. Do đó, bắt buộc phải có tầng hầm với dự án nhà cao tầng mới là cần thiết. Chỉ khác là, tùy từng loại dự án, từng khu vực mà quy định số tầng hầm cụ thể”.

Đủ để chia sẻ

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh ở Hà Nội kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô dân số, dẫn đến các tòa nhà cao tầng cũng như phương tiện giao thông ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các khu chung cư cao tầng hiện nay mới chỉ thiết kế từ một đến hai tầng hầm, không đủ chỗ đỗ xe cho bản thân dự án. Từ đây gián tiếp gây áp lực cho hạ tầng giao thông ngoài chung cư khi phải chịu tải một lượng lớn xe cộ của cư dân gửi ra.

“Chúng ta thường kỳ vọng các dự án cao tầng có thể chia sẻ lượng xe máy, ô tô của khách vãng lai gửi vào khi tập trung về khu vực này. Dù vậy, thực tế với một hoặc hai tầng hầm, bản thân công trình đó còn chưa đáp ứng được nhu cầu để xe của cư dân thì chia sẻ được với ai? Cho nên tôi cho rằng, trước khi muốn chia sẻ phải đảm bảo “đủ” trước đã” - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.


Đường dẫn xuống hầm để xe tại khu Times City. Ảnh: Nguyễn Đức

Trước thực tế này, mới đây Hà Nội đã ban hành Công văn số 4174/UBND-ĐT về việc “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe với các dự án đầu tư xây dựng tại Hà Nội”. Theo hướng dẫn này, chỉ tiêu về diện tích đỗ xe đối với công trình xây dựng mới áp dụng tại 2 khu vực là nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Khu vực nội đô lịch sử, giới hạn từ Vành đai 2 trở vào (các khu vực đã có quy hoạch, quy chế quản lý riêng gồm khu trung tâm Chính trị Ba Đình, khu vực phố cổ thực hiện theo quy hoạch, quy chế quản lý riêng được cấp quyền phê duyệt). Khu vực nội đô mở rộng, phát triển mới và các đô thị vệ tinh được giới hạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.

Tài liệu hướng dẫn quy định rõ, diện tích xây dựng tầng hầm đỗ xe của công trình tối thiểu bằng diện tích xây dựng công trình; tối đa trùng với chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất hợp pháp của ô đất xây dựng công trình; chiều sâu tầng hầm để xe không quá 5 tầng. Các dự án cần nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm gồm các dự án nhà ở, không phân biệt các loại chung cư, như chung cư cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội hay nhà tái định cư.

Quy định cũng nhấn mạnh, các công trình không được phép bố trí gara ô tô tại tầng hầm theo quy định của Bộ Xây dựng như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà chuyên dùng cho người khuyết tật, bệnh viện… Tuy nhiên, quy định này cũng khuyến khích các công trình xây dựng tầng hầm để bố trí chỗ để xe đạp, xe máy hoặc xây dựng tầng hầm bên dưới các khối nhà hành chính, văn phòng.

Kết hợp làm quy hoạch ngầm

Bình luận về quy định này, Chủ tịch HĐQT Công ty Reenco Sông Hồng Nguyễn Thế Điệp cho biết: “Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với quy định mới của Hà Nội. Bởi, áp lực về hạ tầng giao thông tại trung tâm đang cực kỳ báo động. Đặc biệt hiện nay có nhiều khu chung cư cũ không hề có hầm cũng như bãi đỗ xe. Việc áp dụng quy định bắt buộc có hầm để xe sẽ là biện pháp thiết thực nhất cho tình trạng “giao thông tĩnh” Thủ đô. Bên cạnh đó có thể linh hoạt quy định về tỷ lệ chỗ đậu cho một dự án.”

Ở góc nhìn chuyên môn, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng nhận định, đây là chủ trương cần thiết. Đối với các nhà cao tầng, việc làm tầng hầm cho bãi đỗ xe là hợp lý. Dĩ nhiên tùy từng khu vực để quy định một hay hai, ba tầng hầm nhằm phù hợp với bài toán đầu tư. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào vấn đề vị trí. Cụ thể, trong khu vực vùng lõi nội đô không nên làm nhiều tầng hầm đỗ xe. Bởi, không chỉ riêng vấn đề trông giữ xe mà còn liên quan đến điểm quay đầu xe. Hàng trăm xe chạy nối đuôi nhau vào, ra chỉ đẹp trên bản vẽ 3D. Thực tế nội đô không như vậy, việc quay đầu xe rất khó khăn, dễ ùn tắc.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, riêng khu đô thị ở ngoài vành đai thì dứt khoát phải có tầng hầm. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, chúng ta đang xây dựng loại hình nhà ở xã hội (với giá bán mong muốn thậm chí là 8 triệu đồng/m2). Do đó, việc xây thêm tầng hầm có thể khiến dự án bị tăng kinh phí. Diễn tiến này xảy ra, khách hàng, tức là người mua nhà phải “gánh” trong giá bán. Vì vậy, phải tính luôn cả phương án về sau khi giá nhà ở xã hội sẽ bị đội lên.

KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh thêm: “Song song với chủ trương đúng đắn của quy định trên, Hà Nội cần phải sớm có quy hoạch không gian ngầm. Từ đây, làm cơ sở để quản lý, thu hút các nhà đầu tư và triển khai dự án xây dựng. Hiện có một số nhà đầu tư đang rất muốn đầu tư vào các bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn TP. Tuy nhiên thủ tục triển khai còn có vướng mắc do thiếu quy hoạch. Bởi chúng ta không có dữ liệu “phía dưới lòng đất là gì? nên không biết đào ở đâu và đào như thế nào?”.

Theo số liệu thống kê, 4 quận nội đô của Hà Nội có tổng diện tích đất xây dựng đô thị vào khoảng 3.861ha nhưng diện tích đất dành cho các bãi đỗ xe chỉ chiếm khoảng 15,6ha. Cụ thể, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh tại 4 quận này chỉ đạt khoảng 0,4% (trong khi yêu cầu phải đạt từ 2 - 3% đất xây dựng đô thị).
Vân Hằng (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.