Phản hồi bài viết "Tổng tấn công" dẹp loạn thị trường, độc giả Vinhnq60@... nhận xét, thực tế cho thấy mục đích sử dụng vàng trong xã hội Việt Nam những năm gần đây đã có sự thay đổi. Trước đây, vàng chủ yếu dùng làm đồ trang sức, bảo tồn tài sản và phương tiện thanh toán trong dân. Nhưng hiện nay, do giá vàng thế giới lên xuống chóng mặt, nên vàng đã trở thành một kênh đầu tư ở Việt Nam.
"Giá vàng là do cung cầu của thị trường quốc tế quyết định, trong đó có thị trường vàng của Việt Nam. Việc thành lập quỹ bình ổn giá vàng xem ra có vẻ tác động trái chiều của quy luật cung cầu. Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng trong những năm gần đây vàng thế giới tăng thì vàng trong nước cũng tăng theo hoặc ngược lại", độc giả này viết.
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Danta2011@... đặt câu hỏi: Tại sao lại có từ "bình ổn giá vàng"? Vàng không phải là rau, gạo, đường, gà vịt hay thịt heo... Vàng là kim loại quý có giá trị để mua sắm thay tiền, mà nước ta sản xuất rất hạn chế, chủ yếu nhập khẩu. Nhà nước không thể nhập mua vàng giá cao và bán giá thấp để hỗ trợ dân như đang làm với những người dùng điện. Vàng hiện nay chỉ phục vụ cho những người có tiền mua sắm, tích lũy. Giá vàng lên xuống chắc có nhiều "đại gia" bắt tay làm giá.
Chỉ có thương mại tự do mới làm cho vàng trong nước hạ nhiệt? (ảnh Phạm Hải)
Thậm chí, độc giả Nguyễn Xuân Dinh ( nguyenxuandinh@...) còn cho rằng, ý tưởng lập quỹ 20 tấn vàng không những không giúp bình ổn thị trường mà ngược lại, còn làm giá vàng tăng lên.
Ông băn khoăn về việc thị trường vàng đã bị đầu cơ cao hơn giá thế giới 3-4 triệu đồng/lượng mà còn lấy 20 tấn ra làm quỹ, tức sẽ làm cho thị trường vàng khan hiếm thêm 20 tỷ. Đó là chưa kể nguy cơ từ việc đơn vị tham gia bình ổn lại là một trong những "đại gia" vàng trong nước, mà đã là doanh nhân thì DN nào cũng đưa lợi nhuận lên hàng đầu.
"Muốn bình ổn vàng thì đơn giản nhất là cho người dân nhập vàng và xuất vàng tự do. Khi thị trường tự do thì nó sẽ diễn biến theo theo giá thế giới, sự chênh lệch sẽ không nhiều.
Tất nhiên khi thương mại tự do vàng sẽ làm cho dòng đô la trong nước tăng lên một phần nhỏ nhưng dòng vàng sẽ giảm giúp kiềm chế đến lạm phát. Bởi xét về lợi thế so sánh thì người dân Việt Nam vẫn sài vàng nhiều hơn đô gấp nhiều lần, do đó việc hạ giá vàng nhiều và tăng một chút giá USD sẽ giảm lạm phát đáng kể", độc giả Nguyễn Xuân Dinh đề xuất.
Việc thương mại tự do vàng còn có thêm điều lợi nữa là giảm nguy cơ tích lũy vàng quá nhiều trong dân do giá lên xuống thất thường theo quốc tế. Người dân sẽ không an tâm khi dự trữ vàng, do đó, dòng tiền nhàn rỗi sẽ đẩy sang các kênh khác như chứng khoán hoặc đầu tư kinh doanh. Điều này sẽ thúc đấy kinh tế tăng trưởng cao hơn.
Độc giả Minh Xuan ( dangminh97@... ) thì hiến kế, Ngân hàng Nhà Nước nên đứng ra đóng vai trò bình ổn. Cơ quan này chỉ cần chỉ đạo một ngân hàng thương mại nhà nước làm nhiệm vụ (có tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, mức giá chênh lệch theo hướng nào thì thực hiện mua, hay bán; Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn cung USD để có thể nhập một lượng lớn vàng đủ sức đối phó bất kỳ sự lũng đoạn thị trường nào của các doanh nghiệp trong nước), xem kinh doanh qua tài khoản ở nước ngoài là khoản bảo lãnh chênh lệch đối với giá trong nước; chắc chắn rằng việc kinh doanh bình ổn nhưng vẫn có lợi nhuận cao.
Và khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ buộc các đơn vị nhập khẩu, các công ty kinh doanh vàng lớn giảm giá sát thị trường. Giữ vàng không sinh lợi nhuận lớn, người dân giảm nhu cầu tích trữ vàng; hoặc sẽ gởi vàng ở ngân hàng để sinh lãi. Từ đó, huy động tốt hơn nguồn vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế; tránh tình trạng vàng hoá, đô la hoá nền kinh tế như hiện nay.
Tóm lại, cần xem xét bài toán mục tiêu khi đặt vấn đề về việc lập quỹ bình ổn giá vàng. Đặc biệt, với các DN có chức năng xuất nhập khẩu vàng, theo độc giả Ahr Sales, cần nhận thức rõ mục tiêu chiến lược là kinh doanh với ai? Lợi nhuận của DN được lấy chính từ người dân hay chính là lấy từ chênh lệch giá theo từng thời điểm nhập xuất với thị trường toàn cầu.
Nếu phân tích được cả bài toán lợi ích cho quốc gia thì lúc nào xuất, lúc nào nhập, lúc nào trữ hàng thì quốc gia được lợi và người dân được lợi. Nếu chúng ta thua trên thị trường toàn cầu thì người dân sẽ thiệt thòi vì DN nhập - xuất sẽ không bao giờ chịu lỗ cả. Vậy phải cần những nhà quản lý giỏi để lấy tiền từ bên ngoài vào làm lợi cho dân chứ không phải chỉ dùng tiểu xảo để lấy tiền của dân làm lợi.
Về các biện pháp vĩ mô, độc giả Vinhnq60@... đề xuất, cần điều chỉnh chỉ số lạm phát theo đúng con số mà Chính phủ đã thông qua Quốc hội, làm cho tài sản của Việt nam được tăng lên hoặc chi ít cũng được bảo tồn mỗi khi giá vàng quốc tế biến động, chứ không phải bình ổn giá vàng, trong đó có giá vàng trong nước.
Chúng ta không đủ sức để làm được việc này. Để đạt được 2 mục tiêu trên, chỉ cần làm cho thị trường vàng trong nước hoà nhập với thị trường vàng thế giới. Để đưa ra cơ chế vận hành thị trường vàng, Việt Nam cần nghiên cứu cơ chế của các nước có nền kinh tế và điều kiện tương đồng.