Nợ công đang là vấn đề khá "nóng," trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại về tình hình nợ công và đầu tư lãng phí của Việt Nam. Bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13, ngày 28/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
Thưa Phó Thủ tướng, đầu tư đang chiếm hơn 30% trong GDP, vì thế nếu tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ nợ công trên GDP gia tăng, Chính phủ có lường trước điều này?


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Trong bối cảnh tăng trưởng GDP của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, nên dĩ nhiên nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ nợ công tăng cao. Nhưng chỉ tiêu nợ công Chính phủ đưa ra dựa trên những dự báo kém lạc quan nhất, tức là GDP chỉ tăng trưởng 6%, để chúng ta quyết liệt trong điều hành. Tuy nhiên khả năng chúng ta có thể tăng trưởng tốt hơn, GDP mở rộng hơn thì nợ công chắc chắn sẽ giảm xuống.

Ngoài hy vọng GDP tăng trưởng cao hơn, Chính phủ có chủ trương gì trong việc kiểm soát nợ công đang gia tăng hiện nay?


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Từng chỉ tiêu kinh tế đều đi theo kịch bản và bài toán nhất định. Chỉ tiêu nợ công Chính phủ vẫn đang chờ Quốc hội phê duyệt, với mục đích là phải vay thêm để mà làm ăn nếu điều kiện cho phép. Nợ công an toàn hay không không chỉ nằm ở chỉ tiêu cao hay thấp. Rất nhiều quốc gia vay thấp nhưng không trả được nợ vẫn bị đổ vỡ. Còn vay mà làm ăn tốt, trả được nợ thì có vay hay không! Đó là vấn đề cần quan tâm.

Nhiều lần phát biểu trước Quốc hội tôi đã nói rõ, chúng ta đứng trước 2 lựa chọn, hạ nợ công xuống không khó, giờ không vay nữa thì nợ công sẽ giảm ngay lập tức, nhưng đứng trước sự phát triển mình vay về làm ăn thì trả được nợ; hoặc không vay gì cả, không làm ăn gì hết, thì phải chấp nhận không có tiền phát triển. Chính vì vậy mình phải lựa chọn phương án.


Trong cơ cấu này chúng ta là phải tính các khoản sắp tới sẽ vay, các dự án sẽ làm để làm sao sử dụng vốn vay cho hiệu quả, đó là điều quan trọng nhất.


Sắp tới xu hướng vay nợ sẽ ít ưu đãi hơn vì chúng ta đã ra khỏi nước chậm phát triển. Lúc đó không thể coi thường việc vay nợ được, cần tính toán cẩn thận, phải chuyển cả chiến lược sử dụng vốn vay nữa. Như trước đây tất cả cầu đường, hệ thống lớn chúng ta phải dùng ngân sách để đầu tư hoặc đi vay ODA rồi dùng ngân sách trả nợ. Nếu tới đây họ ít cho vay ưu đãi hơn thì dự án muốn triển khai thì bản thân nó phải thu hồi được vốn. Đấy là nguyên tắc.


Phó Thủ tướng có thực sự yên tâm về hiệu quả các dự án sử dụng vốn đầu tư công, có những dự án tưởng chừng như rất hiệu quả nhưng thực ra lại không phải như vậy?


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Vấn đề này tranh luận sẽ rất khó, ý kiến đó có thể chính xác một phần nào nhưng chưa đầy đủ. Việc đầu tư cùng một dự án như nhau nhưng ở những địa điểm khác nhau thì chi phí đã khác nhau rồi. Ví dụ là đường ở Đồng bằng sông Cửu Long trước khi làm phải đi mua đất về đổ để làm nền vì nền đường quá xấu. Chi phí đầu tư đường ở Đồng bằng sông Cửu Long vì thế sẽ cao hơn ở miền núi hay miền Đông.

Các dự án sử dụng vốn đầu tư công hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát được. Tất nhiên chúng ta cần có nhiều chỉ tiêu giám sát cho việc sử dụng nợ công, từng dự án cũng có chỉ tiêu giám sát cụ thể.
Theo Thúy Hà (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh