Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Luật xây dựng hiện hành đã bộc lộ không ít hạn chế. Ví dụ như, công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, vai trò quản lý nhà nước chưa được coi trọng đúng mức về quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chưa chặt chẽ dẫn tới nhiều dự án đầu tư chất lượng chưa đảm bảo, tiến độ kéo dài, hiệu quả thấp.
Nhiều đồ án đã phê duyệt nhưng không khả thi
Theo đại biểu Lê Trọng Sang - TP Hồ Chí Minh, qua gần 10 năm thực hiện Luật Xây dựng năm 2003, đồng thời thực hiện lĩnh vực quy hoạch xây dựng, chúng ta có đủ thời gian, kinh nghiệm để xây dựng một văn bản luật chuyên ngành quy định riêng. Đồng thời, từ năm 2009 đến nay đã thực hiện Luật Quy hoạch đô thị. Vì vậy, đề nghị ban hành Luật Quy hoạch xây dựng riêng và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Mặt khác, theo nhận xét của đại biểu Lê Trọng Sang, trong Chương II dự thảo luật về quy hoạch xây dựng nhưng không có điều, khoản nào quy định trường hợp đồ án quy hoạch xây dựng không khả thi, kém chất lượng, trách nhiệm này thuộc về ai, đồng thời cũng không quy định rõ chế tài như thế nào khi xảy ra sai sót trong quá trình lập quy hoạch.
“Tôi cho rằng, đây là khoảng trống trong pháp luật về quy hoạch xây dựng hiện hành, cần phải được điều chỉnh để khắc phục tình trạng các đồ án quy hoạch kém chất lượng, dẫn đến quy hoạch treo mà người chịu thiệt hại chính là người dân và nhà nước”.
Đại biểu Lê Trọng Sang cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi chỉ quy định hai điều Điều 17, Điều 18 chưa thấy hết tầm quan trọng của việc lấy ý kiến trong đồ án quy hoạch xây dựng. Hiện nay, việc lấy ý kiến còn hình thức, đặc biệt là lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, vì cả luật hiện hành và dự thảo luật đều không có chế định nào yêu cầu cơ quan lập và tổ chức tư vấn phải tiếp thu ý kiến của cá nhân, cộng đồng hay tổ chức. Thậm chí, khi người dân có ý khác với các chỉ tiêu, định hướng trong đồ án quy hoạch thì cũng không được trả lời, giải thích thỏa đáng của các cơ quan có trách nhiệm. Chính từ đây làm cho đồ án quy hoạch xây dựng sau khi được phê duyệt thiếu tính khả thi, dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, buộc các cơ quan lập quy hoạch điều chỉnh gây lãng phí cho ngân sách và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá, khảo sát, lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân liên quan và cộng đồng dân cư để có cơ sở đánh giá sâu sắc công tác quy hoạch xây dựng.
Từ thực tế này, đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị Quốc hội nên giao Chính phủ xây dựng ban hành quy chế giám sát quy hoạch xây dựng của cộng đồng, nhằm đảm bảo cho đồ án quy hoạch xây dựng liên quan đến cộng đồng dân cư mang tính khả thi.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, nên quy định rõ việc xã hội hóa thiết kế và xây dựng, thẩm tra, thẩm định, thiết kế công trình để phát huy sự đóng góp xã hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Cũng nên xem xét cho xã hội hóa việc quản lý chất lượng xây dựng công trình nhưng không khoán cho tư vấn thiết kế. Chủ đầu tư kiểm tra, giám sát công tác thiết kế tùy theo loại các công trình và quyết định các bước thiết kế bắt buộc không phải do chủ đầu tư quyết định kể cả chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách. Chủ đầu tư phải kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với công trình sử dụng vốn ngân sách cần phải quy định những nội dung bước thiết kế càng chi tiết.
“Để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng công trình xây dựng, hạn chế rủi ro, xảy ra sự cố công trình đến mức thấp, đồng thời cải cách thủ tục hành chính nhà nước cần xã hội hóa công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế xây dựng công trình nhà nước, chỉ nên quản lý về quy hoạch, an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy thông qua việc cấp giấy phép xây dựng ban hành quản lý kỹ thuật tiêu chuẩn, quản lý quốc gia áp dụng. Đồng thời quy định chi tiết trong việc thẩm định, thẩm tra thiết kế kỹ thuật đối với từng loại từng cấp công trình. Còn việc tổ chức thẩm tra thiết kế nói chung, bản vẽ kết cấu công trình cụ thể giao cho công ty tư vấn thực hiện” – đại biểu Thân Đức Nam nói.
Cùng quan điểm với đại biểu Thân Đức Nam, phân tích rõ hơn về qui hoạch xây dựng, đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh cho rằng, sự phân phối đa ngành trong quá trình lập quy hoạch còn rất hạn chế, dẫn đến sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch, tụt hậu về phương pháp. Có thể nói, mạnh ai nấy làm nên khập khễnh, không thể phát triển bền vững. Thực tế hiện nay cứ nói đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là gắn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch sử dụng đất gắn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch xây dựng đô thị gắn với Bộ Xây dựng, quy hoạch ngành gắn với các bộ ngành khác v.v... Đến nay gần như quyền xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt và thực hiện mọi quy hoạch vẫn là công việc của từng bộ, ngành. Từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 3 bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng ngồi lại với nhau để giải quyết những vướng mắc giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng chưa có kết quả, cho đến hôm nay vẫn việc ai người ấy làm, quyền ai người ấy thực hiện.
“Việc Chính phủ giao một đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu soạn thảo việc quy hoạch thì sau này các loại quy hoạch được phép hợp cùng một luật thì việc mạnh ai người ấy làm, hay khập khễnh trong quy hoạch sẽ được khắc phục. Đó là lý do mà tôi yêu cầu Luật xây dựng kỳ này chuyển phần quy hoạch sang Luật Quy hoạch hoặc Luật Quy hoạch đô thị đang chỉnh sửa” – đại biểu nói.
Tăng cường kiểm soát để tránh thất thoát, lãng phí
Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư xây dựng là do thiếu vắng vai trò kiểm soát của các quản lý nhà nước trong các khâu như: Thẩm định dự án, thẩm định trước thuế và dự toán xây dựng.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị nên đưa vào luật những quy định cụ thể về năng lực và trách nhiệm của cơ quan thẩm định, tư vấn thẩm tra khi có sai sót, những quy định về trách nhiệm của thanh tra xây dựng khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như những quy định trách nhiệm của tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát khi công trình xây dựng sai phép, hay khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung những điều quy định về năng lực của cá nhân, về thẩm định dự án và đơn vị thẩm định được phép mời các chuyên gia để tham vấn đối với những nội dung vượt quá năng lực chuyên môn của mình. Do đó, nếu có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý từ khâu thiết kế cơ sở cho đến các công tác kiểm soát thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự lãng phí.
Còn theo đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam), có thể giao cho đơn vị thụ hưởng dự án làm chủ đầu tư hoặc thành lập Ban quản lý dự án để nâng cao trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng của công trình. Theo dự thảo, với dự án xây mới, duy tu sửa chữa công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật các dự án này thường có tổng mức đầu tư thấp thì chủ đầu tư được giao cho quản lý dự án. “Tuy nhiên, cần làm rõ như thế nào thì bộ máy chuyên môn trực thuộc được coi là có đủ điều kiện về năng lực để quản lý dự án?” – đại biểu bày tỏ băn khoăn./.