Năm 2020 đã đi hết 3/4 chặng đường, bức tranh doanh nghiệp doanh nhân và lao động việc làm tại nhiều nơi nhuốm màu u ám.

Ngành du lịch Quảng Trị chịu ảnh hưởng nặng do dịch bệnh COVID-19

Nửa đầu năm 2020, tại Quảng Trị có 153 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có 90 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 15% so với cùng kỳ 2019. Hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, chấm dứt hợp đồng sản xuất, kinh doanh gồm 85 doanh nghiệp.

Đợt tái bùng phát COVID-19 lần 2, Quảng Trị có 7 ca nhiễm, 1 trường hợp tử vong, 4 người là cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp. Có 90 lao động tại doanh nghiệp bị cách ly tập trung; 420 lao động khác cách ly tại nhà.

Trên 100 doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, cắt bớt lao động hoặc luân phiên sử dụng lao động, 1.190 lao động bị mất việc hoàn toàn, trong đó hơn 1.000 người không có lương.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành thuộc nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có những doanh nghiệp có “số má” như Công ty Cổ phần du lịch Quảng Trị, Công ty du lịch Mê Kông, Công ty du lịch Đông Hà - Sài Gòn phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Đối với doanh nghiệp lữ hành nhỏ tình hình càng bi đát hơn, trao đổi với truyền thông, anh Hoàng Phương, Giám đốc Ken Travel cho biết: “Từ khi dịch COVID - 19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và các chính sách phòng chống dịch của Chính phủ, hiện không có khách đăng ký tour mới, các tour đã đăng ký đi Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa điểm khác bị hủy 100%.”

Cùng cảnh ngộ là Long Travel, các tuor đi Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt tới tháng 9 đều bị hủy, đồng nghĩa với việc công ty không có doanh thu và người lao động tiếp tục “ngồi chơi xơi nước”.

Theo ghi nhận của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, tại khu du lịch địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) - “địa chỉ đỏ” du lịch về nguồn của tỉnh, trong đợt dịch đầu tiên lượng khách tụt giảm trầm trọng, mỗi ngày vài chục lượt, đợt dịch thứ hai nặng hơn, có ngày không đón được khách nào.

Khu du lịch địa đạo Vịnh Mốc vắng tanh (Ảnh: Khắc Trà)

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn, UBND tỉnh đã thực hiện Nghị quyết 42 và Chỉ thị 15 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chi trả, thanh toán cho người lao động, doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi vẫn chưa thực hiện được do vướng nhiều “tiêu chí”.

Đây là tình trạng không riêng tại Quảng Trị, UBND tỉnh đang nghiên cứu, xem xét kiến nghị TW sửa đổi hai văn bản hướng dẫn này theo hướng nới lỏng điều kiện thụ hưởng nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động.

Trương Khắc Trà (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.