Sau gần 10 năm đưa vào hoạt động, đến nay trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở Quảng Trị được khai thác tại khu vực mỏ đá khối A - Tân Lâm (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) sắp cạn kiệt, sản lượng giảm xuống chỉ còn khoảng 50% và chỉ đáp ứng chưa đến 40% cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Dây chuyền nghiền đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở Quảng Trị.

Mỏ đá vôi khối A - Tân Lâm được UBND tỉnh cấp phép khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường cho 2 liên danh gồm Liên danh Công ty Cổ phần Thiên Tân - Công ty Cổ phần Tân Hưng và liên danh Công ty TNHH Minh Hưng - Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Trị, thời hạn cấp phép 10 năm từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2022. Đây là mỏ đá khai thác cố định và duy nhất trên địa bàn Quảng Trị.

Sau khi được cấp phép khai thác đá mỏ đá vôi khối A, 4 đơn vị khai thác đá chủ lực tại khu vực Tân Lâm đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng máy móc thiết bị, lao động phục vụ khai thác, chế biến đá các loại cung cấp cho thị trường xây dựng khoảng trên 1 triệu m3/năm, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm ổn định cho trên 500 lao động địa phương, tích cực làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tuy nhiên, mỏ đá vôi khối A - Tân Lâm sẽ hết hạn khai thác vào tháng 6/2022, trữ lượng đá còn lại rất ít, phần lớn là đất đá phong hóa, chất lượng kém nên sản lượng khai thác giảm trên 50% so với trước đây, chỉ cung cấp gần 40% sản lượng đá cho nhu cầu xây dựng các công trình, hơn 60% sản lượng đá còn lại các nhà thầu phải hợp đồng mua từ các tỉnh khác.

Thực hiện định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhà thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện đầu tư nhiều dự án xây dựng lớn như đầu tư hạ tầng và các dự án thành phần tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, dự án đường giao thông từ cửa khẩu quốc tế LaLay về cảng Mỹ Thủy, đường cao tốc Bắc Nam Cam Lộ - La Sơn, đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, dự án mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt, các dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, huyện ĐaKrông, dự kiến xây dựng dự án cảng hàng không Quảng Trị và nhiều dự án lớn khác tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… với nhu cầu sử dụng đá xây dựng các loại lên đến khoảng 2 triệu m3/năm.

Điều đáng quan tâm hơn, khi xảy ra thiên tai lũ lụt lớn làm hư hỏng nặng đến hạ tầng thì cần khối lượng đá rất lớn để khắc phục hậu quả, nhất là đảm bảo giao thông thông tuyến kịp thời. Xin được đơn cử, trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, làm hư hỏng nặng về cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông lớn nhỏ. Song do khối lượng đá trong tỉnh không đủ cung cấp, phải vận chuyển từ các tỉnh khác nên đã dẫn đến tình trạng không đảm bảo tiến độ, làm kéo dài thời gian ách tắc giao thông trên các tuyến giao thông trọng yếu.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Tân cho biết: Với yêu cầu sản lượng đá rất lớn để cung cấp cho xây dựng hiện nay và trong tương lai, sau khi mỏ đá khối A - Tân Lâm hết hạn khai thác vào tháng 6/2022 thì sản lượng đá khai thác trên địa bàn tỉnh còn khoảng trên 100.000m3/năm, không thể đủ nguồn đá để cung cấp cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Tại mỏ đá vôi khối D - Tân Lâm thuộc địa phận xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) nằm cách mỏ đá khối A - Tân Lâm khoảng 5km, có tổng diện tích rộng hàng chục ha, có trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường hàng chục triệu khối. Năm 2008, Công ty TNHH Một thành viên Đông Trường Sơn (nay là Công ty Cổ phần Minh Hưng) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép khai thác đá vôi để sản xuất xi măng, nhưng do chất lượng đá không đảm bảo, hàm lượng CaO thấp, xen kẹp đá có hàm lượng MgO cao trên 30% không đạt tiêu chuẩn sản xuất xi măng, nên không thực hiện được. Với chất lượng đá tại mỏ đá khối D - Tân Lâm chỉ có thể để làm vật liệu xây dựng thông thường.

Được biết, các đơn vị khai thác đá tại mỏ đá Khối A – Tân Lâm đã làm văn bản đề nghị các cấp xem xét để đưa mỏ đá vôi khối D - Tân Lâm ra khỏi quy hoạch sản xuất xi măng; đồng thời xin cấp phép cho 4 đơn vị khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường.

  • Cao tốc chậm tiến độ do thiếu vật liệu, Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù

    Cao tốc chậm tiến độ do thiếu vật liệu, Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù

    CafeLand – Trước nguy cơ nhiều dự án cao tốc bị chậm tiến độ xây dựng do thiếu nguồn nguyên vật liệu, Chính phủ vừa ban hành cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Hữu Tiến (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.