Năm 2016, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 triển khai thu hồi đất rừng do người dân lấn chiếm.
Chính quyền địa phương và Công ty Lâm nghiệp Đường 9 nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng người dân không chịu trả lại đất.
Một số người dân tại thôn Xuân Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho rằng, ông Nguyễn Hồng Thái là Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 cũng xâm lấn đất rừng nhưng không bị thu hồi thì họ cũng không trả lại phần đất rừng xâm lấn.
Nhân dân phản ánh việc ông Nguyễn Hồng Thái xâm lấn đất rừng để làm trang trại.
Ông Trần Văn Ngạch, 37 tuổi, trú tại thôn Xuân Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ cho biết, diện tích 2 ha đất trồng keo tràm mà ông đang canh tác thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đường 9.
Diện tích đất này do vợ chồng ông khai hoang dọc khe suối từ lâu để trồng rừng.
Ông Trần Văn Ngạch cho rằng, về chủ trương thu hồi đất, nếu ông Nguyễn Hồng Thái trả lại diện tích đất đã chiếm dụng thì ông cũng sẽ trả cho Công ty Lâm nghiệp Đường 9.
Người dân ở đây cho biết, ông Nguyễn Hồng Thái có một diện tích đất lớn nằm trong khu vực quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 tại khu vực xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Một phần trong khu đất này, vào năm 2005 ông Thái mua của ông Nguyễn Xuân Đức, 72 tuổi, ở thôn Xuân Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.
Diện tích đất ông Thái đang xâm lấn, hiện trồng các loại cây ăn quả, cây cao su và xây chuồng trại chăn nuôi cạnh hồ nước lớn. Người dân xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ nói rằng, khi trồng rừng trên diện tích đất xâm chiếm thì bị nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 đến phá đi. Nhưng ngược lại, giám đốc của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 làm cả trang trại thênh thang trên đất rừng không bị xử lý, lại còn được nhà nước đền bù số tiền gần 2 tỉ đồng.
Trang trại của ông Nguyễn Hồng Thái trồng cây cao su, cây ăn quả và xây dựng chuồng trại gần hồ nước.
Gia đình bà Hồ Thị Gái, 48 tuổi, ở thôn An Thái, xã Cam Tuyền có diện tích đất trồng rừng rộng hơn 1 ha, nằm trong khu vực quản lý của lâm trường. Chăm sóc, trồng rồi thu hoạch được 2 vụ, thì cán bộ lâm trường đến nhắc nhở không được trồng rừng nữa. Sau đó, bà Gái tiếp tục trồng 9000 cây keo tràm ở diện tích này nhưng bị người của lâm trường đến nhổ và phá đi. Cũng như nhiều người khác, bà Gái bức xúc khi Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 không trả lại đất: "Trong lúc ông Thái có cả trang trại thì không sao. Trước đây ông mua chỉ đất dưới ruộng, sau rồi trồng cao su rồi lấn chiếm thêm đất lâm trường nhưng rồi cũng để cho ông ấy làm. Nhiều người bức xúc vì cứ trồng cây lên là bị nhổ, nếu như thu hồi của người này được thì thu hồi của người khác được".
Trước phản ứng gay gắt của người dân, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 thừa nhận, diện tích mà ông đang làm trang trại được mua của người khác, phần đất đang trồng cây cao su ở trang trại là đất rừng, do Công ty Lâm nghiệp Đường 9 quản lý.
Ông Thái biện hộ rằng, đã sử dụng đất của lâm trường để xây dựng mô hình thử nghiệm trồng cây cao su, cây ăn quả, chăn nuôi để làm mẫu cho bà con và công nhân.
Ông Nguyễn Hồng Thái giải thích, khi công ty lên phương án thu hồi, ông sẵn sàng trả lại phần đất của công ty. Tuy nhiên, cây cao su cần phải có lộ trình và phương pháp thu hồi khác để tránh thiệt hại.
Ông Nguyễn Hồng Thái phân bua: "Ban đầu khi mua lại của họ là khoảng 2 ha và trồng cây ăn quả. Sắp tới đây công ty có phương án để quản lý và thu hồi chứ không phải là không bởi vì cây cao su khác với cây rừng cho nên riêng diện tích này công ty sẽ có 1 chủ trương và 1 phương pháp quản lý khác. Khi thu hồi sẽ trả hết, đất của công ty phải là đất của công ty chứ không phải đất của ai được hết".
Năm 2010, khi thực hiện xây dựng hồ chứa nước Đá Mài – Tân Kim, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lộ đã lập bảng thống kê đất thu hồi. Một phần trang trại của ông Nguyễn Hồng Thái nằm trong diện được đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Ngày 19/4/2012, huyện Cam Lộ có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường. Sau đó Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với Ban giải phóng mặt bằng đã thực hiện việc chi trả tiền. Trang trại của ông Thái được đền bù gần 2 tỷ đồng.
Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, trước đây, việc ông Thái có 1 trang trại thuộc đất lâm trường quản lý và thuộc thẩm quyền của tỉnh nên huyện không thể xử lý được.
Nguồn gốc đất đó của người dân, khi ông Thái làm trang trại đó thì có mua lại 1 phần đất của bà con làm từ trước, sau đó khi làm hồ Tân Kim thì nước dâng lên nên phải thu hồi đất đó, mà thu hồi thì phải hỗ trợ đền bù. Tuy nhiên có 1 phần diện tích ông Thái lấn chiếm, giờ phát hiện ra thì phải xử lý, ông ấy phải trả. Trước hết ông là cán bộ, là giám đốc lâm trường thì mà ông lấn đất lâm trường thì cần phải tự nguyện trả trước.
Ngày 24/4/2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản yêu cầu cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 lấn chiếm đất rừng và đề xuất biện pháp xử lý, thời hạn trước ngày 3/5/2019.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện đã lập đoàn thanh tra về công tác quản lý đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Theo ông Nguyễn Đức Chính, nếu phát hiện ông Nguyễn Hồng Thái có xâm lấn đất rừng để làm trang trại thì sẽ xử lý đúng quy định.
Chủ trương có kiểm tra toàn bộ khu vực mà dân lấn chiếm trong đó có những phần thuộc của Lâm trường mà trước đây dân lấn chiếm, sẽ kiểm tra hết. Nhưng hiện nay, riêng việc của ông Nguyễn Hồng Thái thì mới phát hiện thêm nên tỉnh sẽ cho thanh tra đi làm việc thì mới có kết luận về pháp lý. Bây giờ kiểm tra mà đúng là có sự việc trên thì phải xử lý, thu hồi và kiểm điểm trách nhiệm.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đường 9 (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Đường 9) được nhà nước giao quản lý 7.000 ha đất rừng. Nhưng do quản lý lỏng lẻo nên hơn 1.000 ha đất rừng bị chiếm dụng dẫn đến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn. Nhà nước mất rừng còn dân thì không có đất sản xuất. Người dân rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm công khai sai phạm và việc xử lý vi phạm đối với ông Giám đốc Công ty này./.
-
UBND tỉnh Quảng Trị làm việc về Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn
Tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá chất lượng vật liệu, đặc biệt là vật liệu phục vụ trong ngành giao thông vận tải để đảm bảo cung cấp đủ số lượng và chất lượng cho các công trình xây dựng....
-
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Công văn số 5499/UBND-KT về việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quảng Trị.
-
Đề xuất gần 14.000 tỷ đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo
Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được đề xuất đầu tư với chiều dài 56km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Tuyến sau khi hoàn thành sẽ tạo mạng lưới kết nối giữa cửa khẩu Lao Bảo, sân bay Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy thúc đẩy kinh tế - xã ...