26/11/2020 3:55 PM
Năm 2020, Quảng Ninh dự kiến đạt tăng trưởng GRDP 10%, thu ngân sách nhà nước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 9,4% so với dự toán Trung ương giao, nằm trong top các địa phương dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế.

Toàn cảnh Khu Công nghiệp Cái Lân. (Nguồn: baoquangninh)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, nảy sinh mầm bệnh trên địa bàn; tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số; thu ngân sách vượt so với dự toán Trung ương giao là kỳ tích.

Đó là 3 điểm sáng nhất trong bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh năm 2020, trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Kết quả trên có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho sự phát triển của năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV.

Năm 2020, Quảng Ninh dự kiến đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) 10%/năm, thu ngân sách nhà nước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 9,4% so với dự toán Trung ương giao, Quảng Ninh nằm trong top đầu về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cả nước.

Trong bối cảnh dịch COVID - 19 ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó có hiệu quả trước những thách thức và tác động của đại dịch COVID-19 để hoàn thành "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, ưu tiên, tập trung cao nhất các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm cấp nào chủ động ở cấp đó, địa phương nào chủ động địa phương đó; chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, từ ngoại biên không để xảy ra rủi ro trong tỉnh; tạo môi trường an toàn để tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá nhận diện tình hình phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế-xã hội, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các ngành công nghiệp tăng tối đa công suất, năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh, sản xuất sợi, dệt kim, khăn, vải và trang phục vào hoạt động, bổ sung thêm năng lực sản xuất mới, đẩy tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp tăng cao (đạt 10,4%), đóng góp trụ cột quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, bù đắp lại sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong số đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,1%, chiếm 17,7% GRDP, đóng góp 39% tổng thu ngân sách nội địa (14.416 tỷ đồng). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 17% so với cùng kỳ, chiếm 9,8% GRDP của tỉnh, tăng 0,4 điểm% so với năm 2019.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá cao việc ngành than đã đứng vững trong dịch bệnh COVID-19, đóng góp tích cực trong nền kinh tế của Quảng Ninh. Với việc duy trì mức lương hơn 12 triệu đồng/tháng cho hơn 96 nghìn công nhân, nên người dân Quảng Ninh có đủ sức mua, góp phần tạo ra chuỗi kích cầu sản xuất hàng hóa trong tỉnh.

Ngoài ra, năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nộp ngân sách nhà nước ước đạt 18.000 tỷ đồng; trong đó, nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 14.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhờ việc nhanh nhạy đón được làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nhiều khu công nghiệp đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Điển hình là Khu công nghiệp Đông Mai trở thành khu công nghiệp đồng bộ nhất về hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy cao nhất của tỉnh đạt gần 72%; thu hút được nhiều dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia chế tạo, sản xuất các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Chỉ với diện tích hơn 167ha đến nay, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Đông Mai là Tổng Công ty Viglacera đã hoàn thành đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu, thu hút các nhà đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 72%, gồm 18 dự án với vốn đầu tư đăng ký trên 350 triệu USD.

Giá trị gia tăng các sản phẩm tại khu công nghiệp Đông Mai dự kiến năm 2020 đạt 301 triệu USD. Dự kiến năm 2021, con số này sẽ nâng lên 940 triệu USD.

Hầu hết các sản phẩm của các nhà đầu tư này là hàng điện tử, công nghệ cao, công nghệ sạch sẽ được xuất khẩu chủ yếu vào các quốc gia như Mỹ, Slovakia, Mexico, Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đánh giá, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp không chỉ góp phần bù đắp lại sự sụt giảm của khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định của Quảng Ninh trong tương lai.

Với tầm quan trọng của ngành công nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ mới, tại kỳ họp đầu tiên bàn về phát triển kinh tế xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về “phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030.” Phấn đấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biên, chế tạo tăng 17%/năm.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Quảng Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững; trong đó, xác định chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách, phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành than.

Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.