Đang có nguồn thu ổn định từ nhiều năm để nuôi sống gia đình từ các đầm nuôi hải sản. Nguồn thu đó là kết quả của bao ngày tháng vất vả quật lập, đào đắp bờ bao, đầu tư tiền của xây dựng để có. Nhưng tất cả đang đứng trước nguy cơ bằng không.
Ông Chiến bức xúc cho biết, toàn bộ khu vực nuôi trồng hơn 20 năm sẽ bị thu hồi không bồi thường.
Choáng váng!
Tháng 5/2019, các hộ dân tại phường Đại Yên, TP Hạ Long choáng váng khi nhận được thông báo với dòng chữ lạnh lùng: Nhanh chóng di dời vật nuôi, cây cối, vật dụng, chấm dứt việc nuôi đầm, trả đất về cho địa phương vì bây giờ việc nuôi trồng tại đây đã không phù hợp với quy hoạch được duyệt. Văn bản còn khẳng định rõ: Vì hết hạn giao đất, các hộ không được bồi hoàn tài sản hiện có trên đầm và phải tự di dời nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế!
Trong đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Chiến, trú tại tổ 1 khu 2 phường Đại Yên gửi Diễn đàn Doanh nghiệp, ông trình bày: Năm 1992 ông được UBND huyện Hoành Bồ cấp 90 ha đất bồi ven sông Hốt thuộc xã Đại Yên để làm đầm nuôi tôm, cá trong thời gian 10 năm.
Sau 10 năm ông làm đơn xin gia hạn và gặp chủ tịch UBND TP Hạ Long (Đại Yên lúc này đã nhập về TP Hạ Long) trình bày thì được ông chủ tịch trả lời: “Các bác cứ tiếp tục nuôi trồng và đóng thuế đầy đủ, khi nào nhà nước lấy lại thì các bác sẽ được hỗ trợ, đền bù”. Đó là lý do gia đình ông yên tâm tiếp tục đầu tư, gia cố cống máng, ao đầm chắc chắn trong sự đồng thuận của chính quyền.
Ngày 1/11/2012, ông được cấp bìa trang trại không kỳ hạn số 01/2012. Từ quyết định được cấp không kỳ hạn này, ông cùng con cháu và người thân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng và vay ngân hàng trên 800 triệu để mua sắm máy, quạt, nâng cấp đầm nuôi tôm thẻ chân trắng.
Công việc nuôi đầm đang trên đà phát triển thì bất thình lình ngày 5/6/2019 ông nhận được quyết định của UBND TP Hạ Long về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định130 QĐ-UB của UBND huyện Hoành Bồ ngày 18 tháng 4 năm 1992 giao đất cho ông Chiến làm đầm, thu hồi toàn bộ đầm nuôi của gia đình ông và không đền bù với lí do hết thời hạn giao đất và khu đất này hiện không nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản. Điều này có nghĩa nguồn thu nuôi sống gia đình không còn, tiền đầu tư hàng tỷ đồng có nguy cơ “ đổ xuống sông, xuống biển”.
Nhưng gia đình ông Chiến không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều hộ làm đầm ở Đại Yên đang yên ổn làm ăn bao năm nay nhờ bãi triều và rừng ngập mặn bất ngờ đứng trước nguy cơ bị thu hồi diện tích canh tác chỉ vì bây giờ “đất đó đã quy hoạch cho mục đích khác”.
“Hiện nay khu vực này có trên 40 hộ đang nuôi trồng với hàng trăm ao, đầm. Các đầm nuôi trồng thủy sản này hàng năm đều cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hơn tỷ đồng. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, giờ đứng trước nguy cơ mất trắng, chúng tôi thực sự rất hoang mang”, ông Chiến nói.
Sự đánh đổi chưa đủ sao?
Nếu ai biết Đại Yên, hẳn biết thế mạnh nổi bật của địa phương này nguồn lợi và thành tích nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, hải sản Đại Yên xếp vào hàng chất lượng, có thương hiệu. Những món ruốc, sò, ngán, ốc, ai đã một lần thưởng thức hẳn sẽ rất thích thú vì nó rất ngon.
Có một điều cũng cần nói thêm rằng: Với việc “truy sát” rừng ngập mặn diễn ra một cách ồ ạt cho mục tiêu xây dựng đô thị, phân lô, bán nền, từ một thành phố được bao bọc bởi rừng ngập mặn với 17 trên 21 phường có rừng, nay rừng ngập mặn chỉ còn lại ở Đại Yên trên một diện tích khá khiêm tốn.
Đã có quá nhiều những nghiên cứu, những bài báo, những phóng sự truyền hình phân tích những lợi ích vô cùng to lớn của rừng ngập mặn với những chủ trương, những lời kêu gọi bảo tồn và phát triển vốn rừng.
Nếu xét về góc độ cảnh quan, môi trường sinh thái và nguồn lợi hải sản cần có cho thành phố du lịch, lợi ích kinh tế trước mắt cũng như lâu dài cho cộng đồng cư dân địa phương thì những khoảng rừng ít ỏi còn lại của Đại Yên có cần giữ gìn không? Câu trả lời không chỉ là cần mà là vô cùng cần thiết. Hạ long có thiếu đất để làm các dự án và phát triển không gian đô thị? Câu trả lời là không khi một vùng khai thác than rộng mênh mông trải dài qua nhiều phường đang sắp đến hồi kết thúc.
Quyết định 3099 của UBND TP Hạ Long về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định130 QĐ-UB của UBND huyện Hoành Bồ ngày 18 tháng 4 năm 1992 giao đất cho ông Chiến làm đầm, thu hồi toàn bộ đầm nuôi của gia đình ông và không đền bù với lí do hết thời hạn giao đất và khu đất này hiện không nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản
Vậy thì lý do gì một vùng rừng ngập mặn quý giá, nơi cung ứng hàng ngày nguồn hải sản lớn và nuôi sống đông đảo người dân địa phương lại bị xếp vào diện không phù hợp với quy hoạch làm lâm nghiệp, nuôi trồng hải sản? Việc loại bỏ một cách hết sức đáng tiếc cái thế mạnh trời cho này để nhằm mục đích gì? Cái quy hoạch khác là quy hoạch nào? Nó có đáng để đánh đổi như thế không?
Và UBND thành phố Hạ Long nghĩ sao khi ra một văn bản thu hồi đầy lạnh lùng, mà không cần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người đã bỏ mồ hôi, công sức, tiền của cho mục tiêu khai phá bãi triều hoang hóa, phát triển kinh tế theo chủ trương, khuyến khích của Đảng và Nhà nước, những người từ nhiều năm qua với sức lao động của mình đã đóng góp cho xã hội những sản phẩm lao động quý giá? Có rất nhiều câu hỏi đặt ra đằng sau quyết định thu hồi cần có sự trả lời thỏa đáng từ UBND TP Hạ Long.