Người dân tụ tập cản trở thi công dự án khu nuôi trồng thủy sản
Dù đã áp dụng tất cả các cơ chế, chính sách cho những hộ dân canh tác nông nghiệp tại phường Trưng Vương (TP Uông Bí, Quảng Ninh) nhưng một số hộ dân vẫn cố tình gây khó khăn cho công tác GPMB, làm mất ANTT.
Canh tác nhờ rồi ngỡ đất của mình (?!)
Ngày 26/11/2020, PV Báo Giao thông có mặt tại hiện trường triển khai Dự án Khu nuôi trồng thủy sản phía Tây kênh làm mát Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (TP Uông Bí).
Tại đây, vẫn còn hàng chục hecta ao, đầm, vườn cây ăn quả của người dân chưa bàn giao cho dự án. Để phản đối, khá nhiều phụ nữ làm lều tạm áp sát khu vực thi công để cản trở khi có phương tiện tiến vào.
Ông Vũ Văn Đầu (ở khu Điền Công 1, phường Trưng Vương) cho rằng: “Gia đình tôi sẵn sàng trả lại đất cho Nhà nước, nhưng doanh nghiệp phải hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng/sào”; còn ông Nguyễn Trung Tú, nhà ngay cạnh thì cương quyết: “Nếu không đền bù tôi 50 triệu đồng/sào thì còn lâu mới lấy được đất”.
Cả ông Tú và ông Đầu đều thừa nhận, diện tích đất mà các ông đang canh tác và đòi bồi thường vốn là của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, giờ bàn giao cho địa phương. Nhưng ông Đẩu và ông Tú cho rằng, đã mất bao công be bờ, đắp đập, cải tạo khu vực cỏ dại mọc um tùm để canh tác màu mỡ như hôm nay.
“Khi chúng tôi ra canh tác chẳng ai có ý kiến gì. Nhờ canh tác ở đây mà các hộ thoát nghèo, nay lấy đất thì phải có giải pháp hỗ trợ sinh kế cho chúng tôi”, ông Đẩu nói.
Ông Nguyễn Hồng Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Trưng Vương bức xúc: Dù chính quyền, doanh nghiệp đã triển khai đầy đủ các cơ chế hỗ trợ phù hợp nhất, đồng thời tiến hành đối thoại, thuyết phục, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 32 hộ dân chưa chấp nhận trả lại đất cho dự án.
“32 hộ này chỉ đồng ý bồi thường tiền hỗ trợ hoa màu, tài sản, nhưng theo kiểu oái oăm như đồng ý cho kiểm đếm vườn chuối, nhưng chỉ cho kiểm những cây trên 0,5m, số cây bé hơn không cho kiểm đếm và yêu cầu sau này kiểm đếm tiếp khi tiến hành đền bù đất”, ông Quảng nói.
Tránh tạo tiền lệ xấu
Nhà đầu tư không thể tổ chức thi công dự án do bị người dân cản trở
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngày 7/8/2002, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định thu hồi 259,54ha đất của TP Uông Bí và huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) để giao cho Công ty TNHH MTV-Tổng công ty Phát điện 1 (Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí) xây dựng công trình mở rộng sản xuất. TP Uông Bí và TX Quảng Yên đã bồi thường, thu hồi đất, GPMB xong và bàn giao đất cho Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.
Nhận bàn giao đất, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã đào tuyến kênh mương tuần hoàn nước, làm mát các tổ máy phát điện. Một khối lượng bùn đất lớn được múc lên, đổ thải đã tạo thành một mặt bằng rộng, đất màu thuận lợi cho canh tác nông nghiệp.
Thấy đất đai màu mỡ, từ năm 2006, hàng chục hộ dân của xã Điền Công (nay đã sáp nhập vào phường Trưng Vương) đã tự ý cải tạo, canh tác nông nghiệp, làm trang trại chăn nuôi… tại đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 57ha đất tại đây đã bị 79 hộ dân chiếm lĩnh, sử dụng và không gặp bất cứ trở ngại nào của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp được giao đất.
Đến năm 2013, khi không có nhu cầu sử dụng đất, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã xin trả lại 86,72ha đất tại khu vực này cho địa phương quản lý.
Đến năm 2019, UBND TP Uông Bí đã giao toàn bộ 57ha đất này triển khai Dự án Khu nuôi trồng thủy sản. Nhưng khi chính quyền TP Uông Bí bàn giao đất trên thực địa cho nhà đầu tư thì gặp phải sự phản ứng và những yêu sách hết sức vô lý của các hộ dân lấn chiếm đất trái phép.
Bà Phạm Thu Hà, Phó Bí thư Đảng ủy phường Trưng Vương khẳng định: Đất đã được giao cho doanh nghiệp quản lý, sau đó đã bàn giao về cho địa phương chứ không phải đất hoang hóa do người dân tự khai khẩn.
Thực tế, năm 2010, một số hộ dân có đơn gửi xã Điền Công xin tận dụng một số diện tích đất để canh tác, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, trong đó cam kết “khi nào Nhà nước sử dụng đến sẽ hoàn trả diện tích như cũ, không gây khó khăn”. Sau đó, nhiều hộ dân khác tự ý khoanh vùng gieo cấy, trồng trọt, chăn nuôi.
“Sai sót của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí là từ năm 2006 chỉ quản lý công trình mình xây dựng, không quản lý diện tích đất hai bên bờ kênh (vòng ngoài). Và từ năm 2013, khi được giao quản lý đất, xã Điền Công đã phát hiện người dân canh tác trên diện tích này nhưng không có biện pháp và xử lý theo quy định, vẫn tạo điều kiện để người dân tận dụng canh tác, sản xuất nông nghiệp nên mới dẫn đến các vấn đề phức tạp như hiện nay”, bà Hà nói.
“Thực chất thì nhiều hộ dân đã hiểu và nhận tiền hỗ trợ. Còn đối với những hộ cố tình không hiểu quy định pháp luật, gây cản trở doanh nghiệp thi công thì cần phải cương quyết xử lý để tránh tiền lệ xấu cho các dự án khác…”, ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Uông Bí nói.
Tuy biết diện tích đất bị dân lấn chiếm theo quy định không phải bồi thường, hỗ trợ gì, nhưng với mong muốn giải quyết dứt điểm mặt bằng, cơ quan có thẩm quyền của TP Uông Bí và phường Trưng Vương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với các hộ dân. UBND TP Uông Bí còn đề nghị nhà đầu tư dự án có mức hỗ trợ ngoài ngân sách phù hợp cho người dân. Chủ đầu tư đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng hỗ trợ toàn bộ hoa màu, vật kiến trúc trên đất; hỗ trợ công vận chuyển thu dọn là 432.000 đồng/sào cho các hộ dân, nhưng đến nay một số hộ vẫn làm đơn kiến nghị khắp nơi và có hành vi cản trở chủ đầu tư triển khai dự án, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương.
-
Quảng Ninh: Nổ mìn làm đường 300 tỷ khiến nhà dân hư hỏng
Tuyến đường trị giá 300 tỷ đồng thi công gặp phải sự phản ứng của hàng chục hộ dân vì nổ mìn khiến nhà cửa của họ bị lún, nứt, hư hỏng.








-
Vì sao Quảng Ninh quyết định di dời nhà máy xi măng Cẩm Phả trước năm 2030?
Nhà máy xi măng Cẩm Phả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002 với tổng mức vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy xi măng lò quay có công suất lớn đầu tiên ở Việt Nam.
-
Chính thức khởi công trung tâm thương mại hơn 5.000 tỷ đồng tại TP.Hạ Long
Ngày 17/2 vừa qua, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã chính thức khởi công Trung tâm Thương mại (TTTM) Aeon Mall Hạ Long tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
-
Đồng loạt thi công Dự án cải tạo, nâng cấp QL279
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025, ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công Dự án cải tạo, nâng cấp QL279 đã tích cực tổ chức thi công đồng loạt để bù tiến độ đã chậm trước đó....