Theo pháp lệnh hiện hành về quản lý ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Quản lý ngoại hối : Băn khoăn chuyện trăm đô - trăm tỉ đồng Chuyện trăm đô...

Những quy định về quản lý ngoại hối và xử phạt vi phạm được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13-12-2005; Nghị định số 202/2004, Nghị định 107/2008 và Nghị định 95/2011 ngày 20-10-2011.

Sau bốn tháng, kể từ khi Nghị định 95 được ban hành và có hiệu lực cho đến nay, bên cạnh quyết định xử phạt tại Trà Vinh do Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ban hành, có khá nhiều quyết định xử phạt vi phạm quy định quản lý ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước ban hành từ Bắc chí Nam.

Cụ thể, ngày 9-2-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Dương Mỹ Hà, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Sanh tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, với mức phạt 50 triệu đồng và tịch thu 100 đô la Mỹ sung công quỹ nhà nước do công ty này bị bắt quả tang đang mua bán ngoại tệ trái pháp luật cho khách hàng với số tiền 100 đô la Mỹ.


Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist, mỗi đơn vị bị phạt 500 triệu đồng do niêm yết giá dịch vụ taxi bằng đô la Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trường Đại học FPT bị phạt 500 triệu đồng do thực hiện niêm yết học phí các khóa đào tạo theo chương trình liên kết với nước ngoài bằng đô la Mỹ... và nhiều trường hợp khác.


Những quyết định nói trên hoàn toàn đúng về pháp luật, tuy nhiên vẫn đọng lại không ít những băn khoăn. Trước hết, quyết định xử phạt đúng “barem” có quá cứng khi mua bán 100 đô la bị phạt 50 triệu đồng và có cần đến người có quyền hành pháp cao nhất cấp tỉnh ra quyết định? Hành vi niêm yết giá dịch vụ taxi bằng đô la Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất của Vinasun và Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist có cần phạt đến 500 triệu đồng?


Thứ hai là một số quy định quản lý ngoại hối liệu có phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, ví dụ như có cần cấm việc niêm yết, quảng cáo giá cả dịch vụ, hàng hóa bằng ngoại tệ bên cạnh giá cả bằng tiền đồng tại những đơn vị kinh doanh dịch vụ có phục vụ người nước ngoài. Thực ra, việc niêm yết quảng cáo và thực hiện thanh toán là hai việc khác nhau: niêm yết quảng cáo nhằm cung cấp thông tin để phục vụ khách hàng, còn thanh toán thì phải bằng tiền đồng. Suy cho cùng, việc niêm yết giá cả dịch vụ, hàng hóa bằng ngoại tệ bên cạnh bằng tiền đồng không phương hại gì, nó cũng bình thuờng như tên doanh nghiệp được ghi tên tiếng nước ngoài bên cạnh, hay là các chứng từ thanh toán ở nhiều lĩnh vực có in tiếng nước ngoài bên cạnh tiếng Việt vậy. Điều này chỉ cần quy định nguyên tắc ghi chép, thể hiện, tương tự như ghi tên doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp là đủ.


Chuyện trăm tỉ đồng


Tại hội thảo chống thất thu và nợ đọng thuế ngày 1-3-2012, Tổng cục Thuế cho biết các khoản nợ khó thu chiếm khoảng 1,1% ngân sách nhà nước trong năm 2011. Trong đó các khoản doanh nghiệp “chây ỳ”, được gọi bằng tên khác “chậm nộp”, chiếm trên 70% tổng nợ đọng thuế; thời gian nợ kéo dài (nợ trên 90 ngày chiếm trên 60%).


Những người quan tâm không khỏi suy nghĩ, băn khoăn khi biết những thông tin xung quanh chuyện nợ thuế, nhất là sự “nói qua nói lại” giữa nhà quản lý và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).


Trước hết, người nộp thuế chậm nộp không có lý do hợp pháp suy cho cùng là nhằm chiếm dụng tiền thuế phải nộp để hưởng lợi. Và họ không thể làm như vậy được nếu cơ quan thuế vụ làm đúng thẩm quyền luật định.

Vấn đề đặt ra là tại sao khi hết hạn nộp thuế luật định người nộp thuế không nộp, cơ quan thuế không cưỡng chế thi hành mà biện pháp đơn giản nhất là phong tỏa tài khoản và yêu cầu ngân hàng trích thu, để đến nỗi ông Chủ tịch HAGL cũng ngạc nhiên và cho rằng: “Theo quy định, đến hạn mà không nộp thuế, tự động tài khoản của doanh nghiệp sẽ bị phong tỏa. Nếu tôi thực sự chây ỳ thuế, tại sao tài khoản của tôi không bị phong tỏa”... “có thể do cơ quan thuế chưa thấy khoản tiền này quan trọng nên chưa nhắc nhở, nếu nhắc nhở, HAGL chắc chắn đã nộp ngay”!

Thứ hai, việc gia hạn nộp thuế có vẻ khiên cưỡng, thiếu rõ ràng. Việc này rõ nhất tại trường hợp HAGL. Theo luật, thuế năm 2010 phải nộp chậm nhất vào ngày thứ chín mươi, kể từ ngày kết thúc năm Dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm (đến 30-3-2011), và bị cưỡng chế nếu nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá chín mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế (30-6-2011). Tại sao sau ngày 30-6-2011 cơ quan thuế không thực hiện quy định này, rồi đến tận ngày 26-7-2011, HAGL có tờ trình xin được giãn thời gian nộp thuế của năm 2010, Cục Thuế Gia Lai lại có văn bản chấp thuận thời gian nộp thuế của tập đoàn này đến 31-3-2012?


Hơn thế, không thấy có lý do để HAGL được gia hạn nộp thuế vì không thuộc trường hợp nào được gia hạn theo luật định. Thực tế HAGL luôn luôn kinh doanh có lãi lớn, tiền trên tài khoản luôn dồi dào (thời điểm nợ thuế 167 tỉ, HAGL vẫn đang có trong tài khoản khoảng 2.400 tỉ đồng!)...


Thứ ba, phải chăng những trường hợp vi phạm luật thuế không được cơ quan quản lý thuế công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định nên tình trạng chây ỳ, chậm nộp thuế lâu lộ diện, khiến họ càng chây ỳ hơn?...


Chuyện nợ thuế, nếu cơ quan quản lý cũng xử lý đúng luật, tương tự như xử phạt vi phạm về quản lý ngoại hối có lẽ sẽ có ý nghĩa rất lớn và nó thể hiện việc thực thi pháp luật hướng tới các giá trị xã hội căn bản là xử phạt những người vi phạm; giáo dục mọi người không vi phạm; giữ công bằng trong xã hội.
Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh